A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÔN NGỮ TRỮ TÌNH BIỂU CẢM CỦA NGUYỄN DU TRONG TRUYỆN KIỀU

LÊ THÀNH NGHỊ

Truyện Kiều của Nguyễn Du là “Tập đại thành” của văn học Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay tác phẩm của Nguyễn Du đã và đang không ngớt những lời bình luận từ các bậc quân vương, tầng lớp quan lại, các bậc thức giả, văn nghệ sỹ mọi thời đến “thập loại” những người đọc bình dân. Không ít người đã thuộc lòng Truyện Kiều, kể cả những người không biết chữ. Mỗi một lớp người, mỗi một thành phần xã hội đọc Kiều, nhận thức Kiều và yêu Truyện Kiều tuy có khác nhau nhưng đều nhận thấy cái hay muôn thuở của Nguyễn Du. Bài viết này chỉ muốn bàn đến một phần nhỏ về những đóng góp độc đáo của Nguyễn Du trong lĩnh vực ngôn ngữ, một trong những đóng góp tinh túy nhất của Nguyễn Du. Đó là ngôn ngữ biểu cảm, tức là ngôn ngữ trữ tình trong Truyện Kiều.

           

Chúng ta đều biết nguồn gốc của Truyện Kiều là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng Kim Vân Kiều Truyện là “cổ lục” viết theo phương thức tự sự khô khan, bởi vậy trong lịch sử văn học Trung Hoa, Kim Vân Kiều truyện không có gì nổi bật. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du chỉ sử dụng phương thức tự sự như một yếu tố cần thiết tối thiểu để giữ được nội dung câu chuyện, liên kết những sự kiện, hoặc để miêu tả hoàn cảnh, tính cách nhân vật. Nhưng vượt lên phương thức tự sự, Nguyễn Du chủ yếu sử dụng phương thức trữ tình. Bởi vậy, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du ngôn ngữ trữ tình đậm đặc, như một yêu cầu để khêu gợi và biểu hiện phẩm chất thi sỹ đặc biệt của chủ thể. Có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du hơn hẳn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở chất trữ tình, cũng là chất thơ đặc sắc, nơi hội tụ và bộc lộ thiên tài của Nguyễn Du. Khác biệt của Nguyễn Du với Thanh Tâm Tài Nhân là Nguyễn Du đã vượt qua kể việc để đi sâu vào những trạng huống nội tâm của nhân vật, với một tinh thần nhân đạo cao cả của ngòi bút. Ngôn ngữ trữ tình của Nguyễn Du mang nhiều sắc thái, biểu hiện nhiều cung bậc cảm xúc của tác giả, của nhân vật, của hoàn cảnh…, đặc biệt tại những biến cố, nơi diễn ra những bước ngoặt đầy thương tâm của cuộc đời Thúy Kiều.

            Một thống kê cho biết trong Truyện Kiều Nguyễn Du sử dụng đến đến 70% ngôn ngữ thuần Việt (ngoài điển tích, từ Hán Việt…). Sáng tạo của Nguyễn Du không những ở việc tạo ra từ mới như kiểu: “khêu nguyệt”, “nện sương” (Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương)…, mà còn làm “mới lại” những từ đã cũ, hoặc tạo thêm nghĩa mới cho những từ quen thuộc, ghép thêm để tạo từ mới, nghĩa mới (Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình…/ Mười phần xuân có gầy ba bốn phần)…..Bởi vậy, ngôn ngữ Truyện Kiều hết sức uyển chuyển, thi vị, có sức biểu cảm lớn, đặc biệt, như đã nói, ở những trường đoạn Nguyễn Du có dịp biểu hiện tâm trạng nhân vật, cũng là nơi ông gửi gắm nỗi niềm của mình, nơi bộc lộ phẩm chất thi sỹ thiên tài của ông.

            Chúng ta sẽ lựa chọn một vài biến cố quan trọng nhất, đáng nhớ nhất trong Truyện Kiều, để hiểu thêm biệt tài của Nguyễn Du trong sử dụng ngôn ngữ Việt.

            Mở đầu, sau buổi thanh minh, Kiều gặp Kim Trọng, nghe kể về Đạm Tiên. Hai người (một người, một bóng) này rồi sẽ đi suốt cuộc đời Kiều. Một là duyên phận, một là định mệnh, duyên phận thì dở dang, định mệnh thì đeo đẳng. Cái “bóng người” (Đạm Tiên) như bóng ma kia xuất hiện rất quái dị, như báo trước lành ít dữ nhiều:

Ào ào đổ lộc rung cây

Phía trong dường có hương bay ít nhiều

Đè chừng ngọn gió lần theo

Dấu giày từng bước in rêu rành rành.

            Chỉ một câu “lục”: Ào ào đổ lộc rung cây cho thấy sự xuất hiện khác thường gây cảm giác kinh sợ đối với những ai có mặt hôm đó. Đó hoàn toàn không phải là sự xuất hiện của một con người, mà đúng hơn là một bóng ma. Kiều không những kinh sợ, mà còn tỏ thương tâm qua câu chuyện kể của Vương Quan về “cái bóng ma” định mệnh kia.

            Liền đó là khung cảnh Kiều tạm xa Kim Trọng. Mới gặp chàng Kim lúc chiều, nên tình cảm của Kiều chưa phải sâu đậm. Nguyễn Du miêu tả tâm trạng Kiều chỉ qua một “câu tám”: Rộn đường gần với nỗi xa…, trong đoạn thơ này:

Gương nga chênh chếch dòm song

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân

Hải đường lả ngọn đông lân

Hạt sương gieo nặng cành xuân la đà

Một mình lặng ngắm bóng nga

Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.

Bốn câu tả cảnh: “Gương nga chênh chếch dòm song/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân/ Hải đường lả ngọn đông lân/ Hạt sương gieo nặng cành xuân la đà” tả vẻ đẹp khách quan, không biểu cảm nội tâm chủ quan của tác giả. Đoạn thơ cho thấy sự chừng mực trong nhãn quan thiên nhiên của Nguyễn Du, cũng là sự chừng mực trong tâm trạng Thúy Kiều. Nó chưa mang cái “logic nhân quả kéo theo” Người buồn cảnh có vui đâu…thường thấy. Nhưng đến câu tiếp: Rộn đường gần với nỗi xa bời bời là tâm trạng xáo trộn của Thúy Kiều sau buổi Thanh minh, lúc đang Một mình lặng ngắm bóng nga. Nó gợi lên sự chắp nối “gần xa” trong nỗi niềm của Kiều: Người mà đến thế thì thôi/ Đời phồn hoa cũng một đời bỏ đi (chỉ Đạm Tiên) / Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không (chỉ Kim Trọng). Nhưng đây là nỗi riêng: Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình. Để làm tăng sắc thái của sự riêng biệt, Nguyễn Du dùng đến ba từ “riêng” và chữ còn lại “một mình” (cũng là riêng nốt) trong một câu bát để miêu tả và lý giải cái thầm kín nhen nhóm trong tâm tư, chiều sâu trong tình cảm và tính cách, điều thiêng liêng chớm dậy trong tâm hồn Kiều.

Cuộc đính ước Kiều - Kim xưa nay vẫn được xem là kinh điển của những đính ước thề nguyền đôi lứa.

                        Vầng trăng vằng vặc giữa trời

                        Đinh ninh hai miệng một lời song song

Tóc tơ căn vặn tấc lòng

                        Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

Không gian là buổi trăng rằm vằng vặc như thể là “một” nhân chứng thanh cao, minh bạch. Nhân vật chỉ có hai người yêu nhau. Còn lại là “một”: Hai miệng một lời, trăm năm tạc “một”, chữ “đồng” cũng mang ý nghĩa “một”… như thể hiện sự thống nhất, nhất trí cao độ…; sự trang trọng sắt son qua những từ “đinh ninh”, “căn vặn”, “song song”; sự sâu sắc của thề bồi: “tạc”, “đến xương”; sự vững bền với thời gian: “trăm năm”…Tất cả những gì cần nói về một cuộc thề nguyền, đính ước “những lời non sông”, được Nguyễn Du gói gọn trong cặp lục bát, vừa trang trọng, vừa sâu sắc, vừa nghiêm cẩn vừa thiêng liêng. “Những lời non sông” này rồi sẽ theo suốt cuộc đời Thúy Kiều, như thể “căn vặn” lương tâm nàng, ở những nơi cất lên tiếng kêu ai oán nhất. Tiếng kêu ai oán ấy một lần vang lên trong đêm trao duyên: “Ôi Kim lang, hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”, và từ đó theo ta đi suốt Truyện Kiều. Lời thề nguyền kia luôn trở đi, trở lại trong cuộc đời Kiều với một trạng thái đau buốt: khi Kim Trọng về chịu tang thúc phụ: “Trăng thề còn đó trơ trơ/ Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng…/Cùng nhau đã trót nặng lời/ Dẫu thay mái tóc dám rời lòng tơ…/Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”; khi họ Mã lập mưu chiếm đoạt thân thể: “Biết thân đến chốn lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”; khi Tú Bà bày kế đánh đập tàn nhẫn Thúy Kiều: “Nhớ lời nguyện ước ba sinh/ Xa xôi ai có biết tình chăng ai”…; khi cuộc mua bán “cò kè bớt một thêm hai” đã xong, đêm Kiều dứt áo ra đi: Thấy trăng mà thẹn những lời non sông…

Những cuộc chia tay trong Truyện Kiều là những nơi Nguyễn Du sử dụng rất nhiều ngôn ngữ biểu cảm. Thấm thía nỗi buồn ly biệt của người trong cuộc, Nguyễn Du như muốn hòa tâm trạng của mình vào tâm trạng của người. Xa Kim Trọng, tâm trạng Thúy Kiều buồn nhớ, tương tư. Nguyễn Du dùng những ngôn từ thật buồn, thật day dứt:

                        Buồn trông phong cảnh quê người

Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa

                        Não người cữ gió tuần mưa

Một ngày mang nặng tương tư một ngày

Không gian hết sức ảo não (cữ gió tuần mưa), thời gian như lớp lớp những sầu muộn nhớ thương trùm lấp, chất chứa, tâm trạng con người nặng nề, u uẩn dường như không thể thoát khỏi bức bối hiện tại. Nó là “đêm trước” của một cuộc dấn thân oan nghiệt “mười lăm năm” mà Kiều đối diện:

                        Đau lòng kẻ ở người đi

Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm

                        Trời hôm mây kéo tối rầm

Rầu rầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương

Rất nhiều đau xót chia xa, rất nhiều nước mắt “rơi thấm đá” trong khung cảnh “chiều hôm mây kéo tối rầm”. Rất nhiều vần “ầm”, “thấm”; “tằm”, “tối rầm”, “đầm đầm”…, những từ “đã cũ” được Nguyễn Du gom vào một tập hợp ngôn từ của câu sáu tám để miêu tả không gian của cuộc ra đi, báo hiệu những ngày dữ dằn (tối rầm) “ngút tạnh mù khơi” đang chờ Thúy Kiều phía trước. Rõ ràng là một cuộc ra đi đầy bất trắc, không hứa hẹn điều tốt đẹp. Ở đây ngôn ngữ “miêu tả” cũng là “ngôn ngữ biểu hiện”, biểu hiện tâm trạng “rầu rầu”, “đầm đầm” của Thúy Kiều.

Chúng ta sẽ chứng kiến một “cuộc ra đi” khác của Thúy Kiều, cũng đầy bất trắc: cuộc ra đi với họ Sở. Tại đây, Nguyễn Du như muốn tạo ra một sự đối lập: Kiều càng ngây thơ, cả tin bao nhiêu, thì Sở Khanh càng mưu mô, gian giảo, già rơ bấy nhiều. Cái đêm “cùng nhau lẻn bước xuống lầu” với những “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” kia mới thật hãi hùng làm sao. Không gian nhập nhọa tối sáng, chim trời mệt mỏi về tổ, bóng cây lay động tường nhà:

                        Chim hôm thoi thóp về rừng

Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành

                        Tường đông lay động bóng cành…

Tiếp đến là:

                        Đêm thu khắc lậu canh tàn

Gió cây lọt lá trăng ngàn ngậm gương

                        Lối mòn cỏ lạt mùi sương

Lòng quê đi một bước đường một đau

Chim hôm, thoi thóp, ngậm gương nửa vành, khắc lậu, canh tàn, gió lọt, trăng ngàn, cỏ lạt... diễn đạt cái vắng lặng, nhạt nhẽo, nhập nhoạng tranh tối tranh sáng, không thể hình dung điều gì đang chờ đợi phía trước đối với Thúy Kiều, khi đau xót đang mỗi lúc một đè nặng lòng nàng. Kết cục của tình huống này mọi người đã biết. Sở Khanh đã ghi tên mình vào một biểu tượng đê nhục, bẩn thỉu nhất của loài người: thói lừa đảo, lật lọng! Ở đây ngôn từ của đại thi hào Nguyễn Du mang cảm thức báo hiệu. Nó ở trong linh cảm của nàng Kiều. Nhưng bi kịch là ở chỗ linh cảm được nguy hiểm mà không thể tự mình ngăn được hành vi bản thân. Có lẽ khát khao thoát khỏi sự ghê sợ lầu xanh quá lớn, đã làm Kiều như vô tri vô giác “nhắm mắt đưa chân” mặc kệ số phận, như kiểu “ma đưa lối quỷ đưa đàng” mà Tam Hợp đạo cô đã luận về nàng? Sự kiện này và nhiều sự kiện về sau của đời Kiều, như lâm vào tình huống dở khóc dở cười của họ Hoạn, rơi vào ổ lầu xanh của Bạc Bà, Bạc Hạnh, hầu rượu tên quan vô lại Hồ Tôn Hiến…làm sáng tỏ triết lý trong Truyện Kiều: càng muốn thoát ra, càng muốn vươn lên, từng nấc thang Thúy Kiều càng bị vùi dập, bị nhấn chìm xuống hố đen của số phận.

Cuộc chia tay với Thúc Sinh cũng thật đặc biệt, đậm màu sắc của những cuộc chi ly trong thơ ca phương Đông, đậm sắc màu vợ chồng, diễn ra tại thời điểm mùa thu, mùa nhạy cảm nhất với những cuộc tình, mùa gợi sầu thương, mùa gợi lên câu chuyện tình bi kịch của vợ chồng Ngâu…Trong ngôn ngữ dân gian cũng như ngôn ngữ văn chương cảm thức mùa thu có nhiều cung bậc khác nhau: giọt lệ thu, buồn tàn thu, nỗi sầu thiên thu, sụt sùi mưa thu, sầu thu rụng, thu đi (Chinh phụ ngâm: Trải mấy thu tin đi tin lại…), thu sầu, thu buồn, tiếng thu, thu chết…Cũng là thời điểm mùa thu: Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san, nhưng mùa thu ở đây thoạt tiên hiện lên rất đẹp, thi vị mà không bi lụy, không sầu thảm, chỉ gợi sắc thái mênh mang, miên man…do những cụm từ quan san, chinh an, mấy ngàn…gợi ra trong tâm thức người đọc:

Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san

                        Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Thúc Sinh yêu Kiều thật lòng Trước còn trăng gió sau ra đá vàng. Thúy Kiều cũng nhận thấy tấm lòng tha thiết của Thúc Sinh, nhưng thật ra trong lòng nàng chỉ thấy xót thương (Khi Vô Tích khi Lâm Truy/ Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương). Chia tay Thúc Sinh nàng chan chứa hy vọng, vì chưa hề chứng kiến sự yếu đuối đáng thương (Nghĩ tình chàng Thúc mà thương) của chàng, cũng như sự ghê gớm của Hoạn Thư. Trước mắt là cuộc chia tay có nhớ nhung, lẻ loi, buồn thương, nhưng cũng đầy tin tưởng. Cho đến khi cuộc chia cắt đã diễn ra thật sự trong tâm khảm nàng Kiều, khi nàng đã thật sự một mình một bóng, thêm một lần Nguyễn Du mượn đến vầng trăng, một vầng trăng của buổi chia ly, không còn “vằng vặc giữa trời”, không còn nguyên vẹn, mà như đang bị xẻ làm đôi, một việc tưởng như không thể, vậy mà đã có thể trong liên tưởng rất xa rộng, độc đáo của tác giả: cắt chia trong lòng người đã tạo ra cắt chia trong vũ trụ. Và tất cả, vì thế đã trở nên lẻ loi, đơn chiếc, cách biệt được gợi ra sau những ngôn từ: người về, kẻ đi, xẻ làm đôi, nửa in, nửa soi, chiếc bóng năm canh, muôn dặm một mình:

                        Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

                        Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Đây cũng là cuộc chia ly có thể làm biểu tượng kinh điển cho những cuộc chia ly của mọi lứa đôi, mọi thời điểm, mọi thời đại, thậm chí mọi xứ sở trên thế gian.

Như đã nói trên đây, tại những nơi xảy ra những biến cố nhạy cảm nhất, là nơi có dịp thi hào Nguyễn Du bộc lộ khả năng ngôn ngữ độc đáo, tài tình của mình. Một trong những nơi nhạy cảm đó là cảnh Kim Trọng trở lại vườn Thúy sau những năm xa cách. Gia cảnh nhà Thúy Kiều sau thời gian lưu lạc thật thương tâm. Tất cả đều “sa sút khó khăn/ May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”. Kim Trọng trở về nơi những kỷ niệm mối tình xưa vẫn còn sâu đậm trong tâm khảm chàng. Nhưng tất cả đã trở nên bẽ bàng, hoang vu, vắng lặng, tan nát:

                        Đầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời

                        Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

                        Xập xè én lượn lầu không

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày

                        Cuối tường gai góc mọc đầy

Đi về rày những lối rày năm xưa

                        Chung quanh lặng ngắt như tờ

Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai.

Một loạt những từ gợi lên sự tan nát tâm tư trong Kim Trọng: cỏ mọc lau thưa, quạnh quẽ, rã rời, nào thấy, lầu không, cỏ lan, rêu phong, lặng ngắt…Hóa thân vào tâm trạng nhân vật, Nguyễn Du lựa chọn những từ rất bình dị, nhưng có sức gợi rất lớn, nhất là được tập trung đậm đặc vào một khung cảnh buồn thương mà nhân vật đang lâm vào, gây nên cảm giác xót xa trong lòng người đọc. Trong đoạn thơ này Nguyễn Du có sử dụng “điển tích” hai câu thơ của Thôi Hộ: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong”, nhưng Việt hóa nhuần nhuyễn đến mức nếu không để ý, sẽ không nhận ra “dấu vết” của thi nhân đời Đường.

Nguyễn Du là bậc kỳ tài trong những đoạn thơ lục bát tả cảnh ngụ tình như trên, ông còn là thi sỹ chỉ với một vài nét bút đã có thể làm ta hình dung ra “bức tranh hiện thực” theo chất liệu bột màu hết sức tinh tế. Xưa nay, vẽ tranh theo lối hiện thực, các họa sỹ thường viện đến chất liệu sơn dầu gân guốc, khỏe khoắn để thể hiện, vẽ tranh theo lối ghi chép họ lại thường dùng bút sắt để ghi lấy những nét cơ bản nhất của hiện thực. Nguyễn Du chỉ bằng ngôn ngữ biểu cảm, như thể là ‘bột màu” với số lượng ngôn từ ít nhất có thể, cũng đủ làm hiện lên trước mắt ta “cảnh vật” với sự quan sát tinh tế, và quan trọng hơn, mang tâm trạng của người trong cuộc. Buổi đầu gặp chàng Kim cảnh vật như chưa nói lên tâm trạng gì: “Một vùng cỏ ấy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau”. Lúc Kiều xa Kim Trọng, hình như mắt Kiều đang ngấn lệ, không còn nhìn thấy cảnh vật nữa: “Một vùng cỏ mọc xanh rì/ Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu”. Đây là dòng sông trong tâm tưởng khi Kiều nhớ Kim: “Sông Tương một giải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”. Nỗi cô quạnh, trễ nải tại lầu xanh Tú Bà: “Đòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm mây ngỏ tứ mùa trăng thâu. Thiên nhiên hình như cũng đang náo nức trong sự mong mỏi, chờ đợi: Dưới trăng quên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”. Tâm trạng bơ vơ, tha hương buồn vắng khi xa chàng Thúc: “Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”. Tiêu điều gia cảnh nhà Kiều sau những năm hoạn nạn: “Nhà tranh vách đất rã rời/ Lau trèo rèm nát trúc gầy phên thưa”. Hoang vu nơi Kim Trọng đi tìm Kiều sau mười lăm năm lưu lạc: “Đến nơi cửa đóng cài then/ Rêu trùm kẻ ngạch cỏ trên mái nhà”. Giản dị, nên thơ, an lành, thanh thản là thảo đường bên sông, nơi Giác Duyên thương xót đưa Kiều đến tá túc: “Đánh tranh chụm nóc thảo đường/ Một gian nước biếc mây vàng chia đôi”...

            Còn nhiều phương diện “ngữ cảnh” khác nữa, những nơi bộc lộ thiên tài của Nguyễn Du trong việc sử dụng ngôn ngữ, với nhiều sắc thái ngữ nghĩa độc đáo. Như những lần Kiều đánh đàn, Kiều nhớ nhà… Bài viết này chỉ dừng lại ở một số trường đoạn liên quan nhiều đến ngôn ngữ trữ tình biểu cảm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tiếng Việt đến Nguyễn Du đã thêm một bước hoàn thiện, thành ngôn ngữ của dân tộc, vừa bác học, vừa phổ thông. Học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) từng quan niệm: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…” không phải không có lý.

 

 


Nguồn:vanhocnghethuat.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan