A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò văn học nghệ thuật với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

CẢNH PHƯƠNG

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nằm trên cao nguyên M’nông nên thơ, hùng vĩ, là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Hiện nay khu vực công viên đã trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch, của các nhà nghiên cứu địa chất, nghiên cứu văn hóa; cảnh quan công viên là nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sỹ sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật với các thể loại như:Văn, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc...

Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 5 huyện:  Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa. Với khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Công viên nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên và văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ, Ê đê. Công viên địa chất Đắk Nông cũng được mệnh danh là “xứ sở của những âm điệu” bởi nơi đây có sự giao thoa giữa âm thanh của rừng, âm thanh của nước, âm thanh của đá, của lửa, tạo ra nét huyền bí, đặc trưng của vùng đất khu vực công viên. Với những giá trị di sản đặc sắc mang tầm quốc tế, Công viên địa chất Đắk Nông đã được Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 7/2020. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng).

Việc được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông mà còn là vinh dự, tự hào lớn cho Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế. Cũng giống như các danh hiệu di sản thế giới khác, trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cũng đồng nghĩa rằng các loại hình di sản ở khu vực đó từ nay đã không chỉ còn là di sản của địa phương hoặc của quốc gia đó mà đã trở thành di sản chung của toàn nhân loại và của các thế hệ mai sau.

                                                                            Toàn cảnh Hội thảo

Kể từ khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh coi đây là vinh dự lớn đồng thời là trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của công viên, xây dựng và phát triển công viên xứng tầm di sản của thế giới; đồng thời coi đây là cơ hội lớn, tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Với ý nghĩa đó Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Trong đó xác định mục tiêu và nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị để huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn, xây dựng và phát triển công viên, nhất là phải có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá công viên sâu rộng cả trong nước và thế giới. Để triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá công viên, trong thời gian qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, trong đó đã tổ chức nhiều đợt đưa văn nghệ sỹ của tỉnh và các đoàn văn nghệ sỹ trung ương cũng như các địa phương xâm nhập để sáng tác theo chủ đề công viên, trong đó nổi bật là năm 2018 hội đã tổ chức trại sáng tác nhiếp ảnh tại (huyện Krông Nô), qua đợt sáng tác có hàng trăm tác phẩm ảnh phản ánh sinh động về công viên Đắk Nông, đầu năm 2022 mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp song Hội đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức đoàn văn nghệ sỹ đi sáng tác tại khu vực công viên; phối hợp Hội mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 50 họa sỹ đi sáng tác có hơn 300 tác phẩm được thực hiện... Đã có những tác phẩm có chất lượng cao về chủ đề công viên được tham gia các giải thưởng khu vực, quốc gia và quốc tế nhất là trên lĩnh vực nhiếp ảnh.

                                                                 Một tiết mục văn nghệ tại Hội thảo

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá công viên được sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân và bạn bè quốc tế, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 19/7/2022, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo “Văn học Nghệ thuật với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”. Tham dự hội thảo gồm các nhà nghiên cứu văn hoá, văn nghệ sỹ có uy tín trong và ngoài tỉnh; lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị liên quan ở tỉnh. Đây là hội thảo chuyên đề về văn học nghệ thuật nhằm làm rõ vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị về văn hóa, địa chất và đa dạng sinh học của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu nói chung và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói riêng, từ đó có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác chỉ đạo; đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, góp phần phát triển văn hóa du lịch của tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.

Có thể nói, qua hội thảo đã mở ra một trang mới, tác động đến các cấp lãnh đạo, quản lý văn hóa và đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh nỗ lực sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời qua đây cũng cho thấy hoạt động văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, quảng bá công viên và phát triển ngành du lịch của tỉnh, chính vì vậy trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề này và coi đây là một nội dung quan trọng, cần thiết, nhằm đưa hoạt động văn học nghệ thuật gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương và đất nước.


Tin liên quan