Vài cảm nhận về thơ Ngọc Thạch
ĐÌNH NAM
Tôi có dịp quen tác giả Ngọc Thạch và đọc một số tác phẩm của anh tại trại sáng tác Nha Trang do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức. Từ ngỡ ngàng đến ái mộ, bởi thơ Ngọc Thạch đã đưa đến cho tôi nhiều cảm xúc.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch với bút danh là Ngọc Thạch - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Nông, anh sáng tác thơ khoảng 5 năm trở lại đây, tuy có muộn nhưng anh đã cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ “Sóng tình”, “Bão lòng” với trên trăm tác phẩm. Lần này về dự trại Nhà sáng tác Nha Trang, Ngọc Thạch có 10 tác phẩm thơ, được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét thẩm định ở vị trí thứ hai, sau một tác giả thơ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và trước một tác giả thơ ở Kon Tum, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong thời gian dự trại, tôi được đọc một số tác phẩm ở dạng bản thảo: Bình minh Nha Trang, Mùa cà phê chín, Hoàng hôn trên biển, Núi đồi và biển cả, Miền Trung ơi, Hẹn với vầng trăng… tôi đồng cảm với nhận xét của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi đánh giá về thơ của Ngọc Thạch: Thể hiện được tính chuyên nghiệp, trong từng đoạn thơ, câu thơ, và có cả bài thơ hay. Thơ Ngọc Thạch giàu gam màu mang tính hiện thực pha chút lãng mạn, gắn với bút pháp giản dị, tình cảm chân thật, làm lay động trái tim người đọc. Bút pháp ấy đã xuyên suốt trong các tác phẩm thơ. Cái cảm xúc tuôn chảy trong từng đoạn thơ, có những lời thơ yêu thương rất gần, làm lòng ta lưu luyến.
Gom sợi nắng rơi rơi đầy mặt biển
Kết lời thương lời nhớ tự ngàn năm
Nhặt ánh dương thêu khát vọng Nha Trang
Xe chỉ tơ kết duyên rừng với biển
(Bình minh Nha Trang)
Thơ Ngọc Thạch vốn đã giàu cảm xúc và cũng giàu tính tưởng tượng chỉ có hai sự vật đồi và biển đã dệt thành bài thơ với ngôn từ lắng đọng và có một chút lãng mạn gắn liền hiện thực với tích cổ.
Buông ánh mắt dõi xuống cầu ô thước
Dạt ngả nghiêng trong biển biếc mơ hồ
Xám khung trời em dắt biển rời thu
Se se lạnh giọt sương mù chức nữ
(Núi đồi và biển cả)
“Núi đồi và biển cả” còn khắc họa mối tình của chàng trai miền đại ngàn và cô gái xứ biển, tác giả mượn cảnh như để nói về người mình đang yêu, đang hò hẹn với ngôn từ giàu hình tượng, cảm xúc thơ rất thực, chỉ có núi và biển dệt nên bài thơ đi vào lòng người:
Anh với em từ hai miền xa lạ
Anh núi đồi em biển cả mênh mông
Bàn tay anh in dấu ấn Hòn Chồng
Khắc bóng núi sâu vào lòng biển rộng
(Núi đồi và biển cả)
Và bài thơ “Miền trung ơi” tác giả đau đáu với tình yêu quê hương, sự xót xa nỗi niềm trước những cơn bão lũ, cánh đồng tan tác, cửa nhà cuốn bay với cảm xúc lắng sâu, bằng giai điệu thơ trầm buồn, làm lay động trái tim.
Xa quê hương chợt nghe tin báo bão
Sao tưởng như lốc xoáy nổi trong lòng
Sinh ra con là đất mẹ miền Trung
Nơi bão giông nơi ruộng đồng chua mặn
(Miền Trung ơi)
Lời thơ dung dị, cứ hiển hiện những hình ảnh làng quê miền Trung trong mưa bão:
Xót mẹ cha quanh năm còn vất vả
Tiếc cánh đồng tan tác vụ lúa ngô
Bao gia đình lâm thảm cảnh bơ vơ
Miền Trung ơi đến bao giờ... tàn mưa bão...
(Miền Trung ơi)
Đắk Nông không phải là nơi tác giả sinh ra, nhưng lại là nơi nuôi dưỡng Ngọc Thạch gần 30 năm, với vùng đất bazan đã ngấm vào anh những hương vị ngọt ngào, những hương vị “gùi trên lưng những tháng ngày vất vả”, “bàn tay có chai vì nắng gió”, càng làm cho tình yêu quê hương trong anh càng cháy bỏng hơn. Bài thơ “Mùa cà phê chín” cho ta cái nhìn lạc quan về Đắk Nông “luôn no ấm sống trọn tình nhân ái”. Với lời thơ chân chất và tự nhiên ngọt lịm đi vào tim ta.
Mùa khô chớm vụ cà phê đến sớm
Trĩu nặng cành em chín tới trên cây
Gió giao mùa xao động giữa tầng mây
Nắng giục giã Đắk Nông vào vụ mới.
(Mùa cà phê chín)
Thay lời kết bài viết này, tôi xin mượn lời nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi thẩm định và nhận xét tác phẩm thơ của tác giả Ngọc Thạch: “Đây là cây bút thơ không còn là nghiệp dư nữa mà thật sự đã đến độ chín của thơ”. Hy vọng tác giả sẽ đầu tư thêm và chắc chắn sẽ có thơ hay.