Mười lăm năm
Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Mái tóc của mẹ đẹp và mềm. Mẹ bảo với tôi là bởi cả thời con gái mẹ chỉ dùng mỗi loại dầu gội đầu là trái bồ kết khô nấu nước và trái chanh. Mẹ cũng nói bây giờ giữa thời buổi mọi thứ phát triển, có cả mấy chục loại dầu gội đầu được quảng cáo rầm rộ trên báo chí và trên các kênh truyền hình, ai cũng quên rằng cách gội ngày xưa đó đã giúp cho mái tóc của người con gái đẹp hơn. Bởi chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ là đã có thứ dầu gội đầu mình ưng ý, khỏi phải tốn công nướng bồ kết, nấu nước để gội. Mẹ nói thế, nhưng quả thật tôi cũng giống như bao nhiêu người khác, chẳng có thời gian đâu mà đi nấu bồ kết để gội đầu, dẫu rằng tôi cũng muốn mái tóc của tôi đẹp như mẹ. Bởi công việc của tôi luôn luôn chiếm nhiều thời gian, mọi việc chăm sóc mái tóc đều phải đi ra tiệm, mà phải là tiệm làm tóc quen, có hẹn trước để tránh lãng phí thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, tôi hiểu tại sao mẹ thích gội đầu bằng bồ kết.
Bởi trong lòng mẹ luôn dày đặc một kỷ niệm buồn đối với ba tôi. Dẫu rằng ba đã bỏ đi biền biệt bao nhiêu năm trời, từ khi tôi chỉ mới 10 tuổi. Kỷ niệm để mẹ nhớ về ba chính là cây bồ kết cao lêu nghêu ở một góc vườn nhà. Cây bồ kết có những hàng gai tua tủa bao bọc quanh thân, như một cách tự vệ cho những ai muốn leo lên. Điều rất thú vị là mỗi khi trái bồ kết chín, chúng chuyển sang màu đen tuyền, cong mình lại và lựa lúc nửa đêm mà rụng xuống. Mẹ nói: “Bồ kết rất lạ, như nó sợ người ta bị thương tích, cho nên chỉ lén rụng vào ban đêm. Khi đó, thì đâu còn ai đứng dưới gốc cây”. Vào mùa bồ kết chín rụng, mẹ chỉ việc ra nhặt đem vào cất để dùng dần cho suốt cả năm.
Ký ức của tôi về ba trải qua 15 năm vẫn còn lại. Đó là một người đàn ông nhỏ con, ăn nói nhỏ nhẹ. Ba thường ẵm tôi trên tay, tưng tiu tôi. Buổi chiều khi mẹ nấu bếp, ba đưa tôi đi dọc theo những con đường nhỏ xíu, qua các ruộng lúa đang xanh mạ hay vào mùa trĩu hạt. Tôi không hề nghe ba và mẹ nhăn nhó hay gây lộn lần nào. Dường như đôi vai nhỏ, thân hình ốm yếu, dáng đi nghiêng về một phía của ba là cả một vũ trụ. Vì có ba, ngọn lửa bếp trong nhà như đỏ lửa hơn.
Rồi một buổi chiều, tan học về. Tôi chỉ nhìn thấy mẹ ngồi khóc. Bếp không đỏ lửa như mọi ngày. Tôi cũng chẳng thấy ba tôi ở đâu. Cả đêm không thấy ba về, rồi nhiều ngày sau cũng vẫn không thấy ba về. Mẹ chỉ bảo tôi: “Ba con đi làm ăn xa”. Tôi nhớ năm đó nhà tôi gặp khó khăn vô cùng, trong khi thời gian đã cận Tết. Do làm ăn thua lỗ, ba đã đi đập đá thuê cho một ông chủ tư nhân có mỏ đá cách nhà tôi khoảng hơn 10 cây số. Đi làm cả ngày, tối ba vẫn ở nhà, không bao giờ ba vắng mặt lâu như thế. Vả lại, những tờ lịch cứ rơi lần dần báo hiệu hết mùa đông. Tôi hỏi mẹ : “Ba có về kịp Tết không mẹ”. Mẹ lắc đầu: “Năm nay mẹ con mình ăn Tết thôi. Ba con đi xa lắm”. Tết đầu tiên không có ba, không còn là Tết nữa.
Cây bồ kết đó chính là do ba trồng. Cuộc sống luôn có những điều mà không ai giải thích được, bởi khi con người yêu thương yêu nhau, người ta có thể làm mọi điều cho người mình yêu thương vui lòng. Vì thế, ba tôi không là ngoại lệ trong số đông. Duy chỉ một điều tôi tin rằng trên thế gian này ba là người đàn ông duy nhất nghĩ đến chuyện trồng một cây bồ kết để cho người mình yêu thương có bồ kết để gội mái tóc đầu đẹp. Nhưng tình yêu thương ấy cao vời như thế, sao ba tôi lại bỏ mẹ tôi một mình, chịu dựng nỗi buồn khi sinh tôi ra, rồi một mình bà nuôi tôi khôn lớn thì tôi không thể nào giải thích được.
Tôi 25 tuổi, cây bồ kết như thế cũng đã 30 năm tuổi, lớn hơn tuổi tôi. Chừng ấy năm tôi có mặt trên cõi đời này là chừng ấy mùa bồ kết rụng trái, chừng ấy năm mẹ ngóng chờ ba, hy vọng một ngày ba trở về. Có ai nói rằng sự chung thuỷ giữa cuộc sống đang hối hả từng ngày, mệt nhoài vì cơm áo và đối phó với những ganh ghét, thì sự chung thuỷ, đợi chờ gần như không tồn tại trên hành tinh này nữa. Bạn bè tôi đôi khi đưa ra những ví dụ rất điển hình về những cuộc tình đầy hoa hồng và tràn ngập tiếng cười. Nhưng rồi sau một đám cưới tưng bừng, sau tuần trăng mật vui vẻ lại là một cuộc chia tay. Cái thuở nàng chinh phụ trong Chinh phụ ngâm: Thiếp xin về kiếp sau này. Như chim liền cánh như cây liền cành. Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy. Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau...Xin làm bóng theo cùng chàng vậy. Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên”. Đợi chờ mòn mỏi chồng mình ngoài biển ải là chuyện của ngày xưa. Nhưng rõ ràng là mẹ tôi đang là một nàng chinh phụ của thời nay. Một mình mẹ tảo tần buôn bán để nuôi tôi ăn học. Mẹ bỏ cả 15 năm ròng rã không tiếc nuối để ngóng đợi bước chân ba về. Tôi tin là dù ba có đi nhẹ nhàng đến mấy, dù mẹ đang ngủ, mẹ cũng sẽ thức mà nhận ra bước chân của ba. Bởi bao nhiêu lần có người gạ mua mảnh đất nhà tôi với giá cao để làm một điền trang hay một vườn hoa gì đó, mẹ đều lắc đầu từ chối. Mẹ nói: “Ba con chỉ biết chỗ này, chỉ nhớ ra con đường trở về nơi này. Nếu mẹ con mình dọn nhà đi nơi khác, làm sao ba con tìm ra. Mẹ có cái lý của mẹ làm sao tôi hiểu nổi.
Ba về thật, ba về sau 15 năm xa biệt, ba đi, tôi là một đứa bé con còn đang ngơ ngác giữa cuộc đời này. Ba về, tôi đã lớn khôn, gánh bớt phần nặng nề trên đôi vai mẹ, ba về vào mùa bồ kết chín, trái bồ kết rụng đầy bên dưới mà mẹ không ra nhặt, vì mẹ đang bệnh.
Tôi phải xin nghỉ việc mấy ngày để ở nhà chăm sóc mẹ. Đó là một buổi sáng nắng dịu mềm, mây trắng trôi bềnh bồng trên bầu trời xanh thẳm. Đó là một ngày gió vừa đủ về lay nhẹ những hàng cây cao. Tôi đang lụi cụi trong bếp nấu cho mẹ bát cháo thịt. Bỗng tiếng mẹ gọi tôi, giọng mẹ tỉnh táo lạ thường: “Huyền ơi, con ra ngõ xem thử coi. Hình như ba con về”. Tôi không tin lời mẹ, cho rằng mẹ đang lên cơn sốt, có thể trong giấc mơ mẹ thấy ba. Ai lại biết một người đàn ông đã 15 năm xa biệt còn chung thuỷ với một người đàn bà không? Hay là người đàn ông đó đã có hệ luỵ với một người đàn bà khác, và họ đã có một tổ ấm riêng rồi. Tôi ậm ừ với mẹ: “Lát con xem mẹ ơi, con đang xem nồi cháo chín chưa. Rồi tiếng mẹ gắt gỏng: “Con cứ bỏ nồi cháo đó, con ra ngay ngõ xem sao. Hình như ba con về”.
Trên thế gian này, mẹ là người tôi yêu thương nhất. Tôi biết mẹ vô lý, nhưng phải “dạ” một tiếng to cho mẹ nghe. Rồi đứng dậy bước ra ngõ.
Tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy một người đàn ông đang lom khom dưới gốc bồ kết. Ông ta đang nhặt những trái rụng bỏ vào trong một túi nhưạ. Tôi đến gần ông ta, nói: “Chú ơi, những trái bồ kết này là của mẹ cháu”. Tôi vừa nói dứt lời, thì người đàn ông ngước mặt lên. Mười lăm năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhận ra ba. Ba tôi đã về. Ba chưa vội vào nhà, ba đang nhặt những tái bồ kết rụng đem vào cho mẹ. Linh tính kỳ diệu của tình yêu đã giúp cho mẹ nghe được bước chân của ba. Bước chân của ba bước như thế nào mà trộn lẫn trong bao nhiêu bước chân mẹ cũng nhận ra?
***
Mười lăm năm đó ba tôi ở nước ngoài. Trong một lần, nhóm người tổ chức vượt biên đã ép ba đi cùng vì do ba biết được chuyến đi của họ. Hôm đó, mẹ chỉ biết tin qua một người quen. Mười lăm năm lưu lạc xứ người, ba đã mất hết 7 năm ở các trại tị nạn. Sau khi định cư ổn định, ba có gửi thư về, nhưng những lá thư đều bị trả lại vì không đúng địa chỉ. Trong mười lăm năm đó, để cho tôi yên lòng, mẹ đã dấu tôi. Chỉ có lạ kỳ là mẹ tin ba sẽ trở về.
Ba về, mẹ đã khỏi hẳn cơn bệnh. Như căn nhà của tôi có ngàn hương hoa cùng chen vào tận hưởng phút giây hạnh phúc của mẹ. Tiếng mẹ nhẹ như gió: “Ông đi gì tới 15 năm.”
Ba lụi cụi trong bếp, ba nấu nồi nước bồ kết. Rồi ba gội đầu cho mẹ bằng những trái bồ kết ba đã nhặt trong lần về.