A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thôn Phú Vinh

Ghi chép của PHAN AN

 

1. Một ngày đầu tháng Sáu, chúng tôi cùng Y Cam – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Krông Nô về thôn Phú Vinh để hiểu thêm về đời sống của bà con các dân tộc thiểu số phía Bắc định cư trên vùng đất này. Câu chuyện cùng Y Cam làm cho quãng đường hơn 20 cây số từ trung tâm xã vào đây như ngắn lại. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, từ đầu những năm 2000, đông đảo bà con các dân tộc thiểu số phía Bắc đã di cư vào Phú Vinh. Trước nhu cầu ổn định đời sống cho bà con và quản lý hành chính tại địa phương, năm 2016, thôn Phú Vinh đã được thành lập. Đây là một trong những thôn có dân số lớn nhất xã Quảng Phú với hơn 2 nghìn khẩu.

Là cán bộ lãnh đạo xã, hơn thế còn là người dân tộc thiểu số tại chỗ, với Y Cam mỗi lần về với Phú Vinh là một lần hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của bà con nơi đây và cũng là dịp để khám phá thêm về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc. Thôn Phú Vinh nằm theo trục huyện lộ chạy vào xã Quảng Hòa huyện Đắk Glong. Từ đầu thôn đến cuối thôn phải chừng 5 cây số đường đèo dốc. Trên phiến đá cạnh con dốc nhìn ra hồ thủy điện Buôn Tua Sar một nhóm các cháu nhỏ đang hái những bông hoa dại chơi trò đan hoa. Đó là các cháu Hà Thị Thảo Vy, Nông Bảo Diệp và Phàng Thị Nu. Nhà các cháu ở cạnh nhau và thuộc ba dân tộc khác nhau: Mường, Tày, Mông. Trò chơi ngày hè của các cháu đơn sơ là thế. Khi được hỏi về ước muốn trong những tháng hè, vân vê những vòng hoa vừa mới tết trên tay, Thảo Vy (dân tộc Mường) cười lỏn lẻn rằng muốn được bố mẹ cho về quê Thanh Hóa để thăm ông bà bởi đã học lớp 5 nhưng Thảo Vy vẫn chưa một lần được về quê. Với Phàng Thị Nu (dân tộc Mông), mong muốn đơn giản hơn nhiều, đó là khi dịch bệnh qua rồi, nương rẫy sẽ cho mùa bội thu để mẹ cha mua cho sách vở và quần áo mới khi được lên lớp ba.

Pàng A Páo, Bí thư chi bộ thôn đón tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây khang trang bên sườn đồi. Từ đây có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn hồ thủy điện Buôn Tua Sar mùa nước lên đầy ăm ắp. Năm nay 32 tuổi, Páo cùng gia đình di cư vào đất này từ năm 1998. Là thanh niên hoạt bát, sôi nổi, Páo liên tục được cử làm công tác mặt trận tại địa phương. Năm 2018, Páo vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hai năm sau, Páo được bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ thôn Phú Vinh.

 - Bà con đã ổn định chỗ ở và đa phần là có đất sản xuất rồi!

 Vừa rót nước trà mời khách, Bí thư chi bộ Pàng A Páo vừa nói, nét mặt đầy vui tươi. Páo chia sẻ thêm rằng: Trong số hơn 370 hộ dân ở thôn Phú Vinh thì đến 10 dân tộc nhưng dân tộc Mông đông nhất, chiếm khoảng 70%. Nếu trước đây, đa phần đều thuộc hộ đói, hộ nghèo thì hiện nay, thôn đã không còn hộ đói, hộ nghèo cũng chỉ còn 43 hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Y Cam tiếp lời Pàng A Páo: Cái mà chính quyền địa phương trăn trở nhất là hiện chỉ có khoảng 20% số hộ dân ở Phú Vinh được sử dụng điện lưới quốc gia. Bí thư chi bộ Pàng A Páo giải thích:

- Bà con ở đây có cách làm hay đó là lắp thiết bị điện từ năng lượng mặt trời. Do vậy, 80% hộ dân còn lại từ cuối năm ngoái cũng đã tự túc được nguồn điện chiếu sáng.

Vậy là câu chuyện ánh sáng cho dân đã không còn là chuyện to tát ở Phú Vinh nữa. Khi chúng tôi hỏi, bà con trong thôn ở ngay cạnh hồ thủy điện lớn nhất nhì tỉnh như thế này có phát triển thêm nghề đánh bắt thủy sản hay không, Pàng A Páo mau mắn trả lời ngay.

- Có chứ, nhưng đa số bà con người Mường và người Tày làm thôi. Người Mông không quen làm. Để tôi gọi mấy anh em chuyên nghề câu, nghề thả lưới đến đây cùng gặp gỡ.

Điện thoại đổ chuông, Páo nói chuyện bằng tiếng Mông với họ, một lúc sau báo lại rằng, tiếc là hôm nay mấy anh em lại đang đi thăm bà con tận mãi huyện Đăm Rông, tỉnh Lâm Đồng. Theo Páo, hồ thủy điện Buôn Tua Sar cá rất nhiều. Chính vì vậy mà những người làm nghề đánh bắt cá trên hồ luôn được cá to, có con lên đến vài chục ký. Những lúc đánh bắt được cá lớn như vậy, thương lái đến tận nơi thu mua luôn. Còn những loài cá nhỏ, thường bà con sử dụng để cải thiện bữa ăn trong gia đình và biếu hàng xóm. Dù số hộ gia đình làm nghề đánh bắt cá trên hồ không nhiều, Pàng A Páo ước chừng chục hộ nhưng có thu nhập đều đặn nên đời sống khá ổn định. Cái mà Bí thư chi bộ Pàng A Páo và hơn 370 hộ dân ở thôn Phú Vinh trông ngóng nhất đó chính là làm sao những đám rẫy mà mấy chục năm nay đang canh tác được Nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Y Cam - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú báo tin mừng: Chính quyền đã đề nghị việc này lên cấp trên rất nhiều lần, UBND huyện thông tin lại là đang kiến nghị UBND tỉnh rà soát lại, nếu đủ điều kiện theo quy định thì sẽ sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con ở thôn Phú Vinh.

 

2. Cạnh bộ bàn ghế tiếp khách nhà Pàng A Páo, một cây khèn được dựng ngay ngắn. Páo bảo, bản thân mới học thổi nhưng trong thôn có rất nhiều đàn ông người Mông thổi khèn hay lắm. Ngoài thổi khèn, nhiều người còn thổi được cả sáo Mông. Khèn thì bà con chỉ thổi khi có lễ tết nhưng sáo Mông thì khi lên nương rẫy, nhiều người vẫn thổi để bớt đi sự nhọc nhằn của việc mưu sinh. Nói rồi Páo bước ra thềm vẫy gọi người thanh niên đang ngồi trước cửa nhà đối diện. Anh thanh niên, lỏn lẻn sang nhà Páo ngồi xuống cùng chúng tôi. Anh là Tráng A Lừ, hai mươi tuổi và mới lập gia đình.

- Em mới biết thổi mấy năm nay thôi. Trong thôn nhiều chú, nhiều bác thổi hay lắm, còn cả múa khèn nữa!

Đáp ứng mong muốn của chúng tôi, Tráng A Lừ về lấy sáo và đứng lên bờ đá trước nhà thổi. Tiếng sáo Mông réo rắt vang xa, lan ra cả mặt hồ Buôn Tuar Sa lăn tăn sóng. Đôi mắt Tráng A Lừ mơ màng như đang dồn hết tâm tư sâu lắng vào cả tiếng sáo. Hẳn tiếng sáo đang gợi nhắc Lừ nhớ về một miền quê xa ngái, nơi có những núi đá tai mèo điệp trùng sừng sững, cao tít tận trời xanh. Miền quê đó với Lừ và bao bà con Mông khác vẫn đầy ắp những ký ức và kỉ niệm vui buồn.

Ở thôn Phú Vinh, bà con dù là dân tộc nào cũng đều sống trong đoàn kết, chan hòa yêu thương và luôn trân quý, học hỏi, tiếp thu bản sắc văn hóa của nhau. Chị Đặng Thị Phin, dân tộc Dao quê ở Bắc Kạn chuyển cư vào đây năm 2010. Vào miền quê mới, chị kết hôn với chồng là người Mông. Để hiểu về phong tục tập quán của nhà chồng, Phin không chỉ học nói tiếng Mông mà còn miệt mài học chữ Mông. Chỉ sau mấy năm, Phin đã biết đọc, biết viết chữ Mông và dạy cho hai đứa con.

- Tiếng Mông thì gần như cả thôn ai cũng nói được, dù là người Tày, người Dao, người Thái hay người Mường các anh ạ nhưng chữ Mông thì ít người biết lắm! Em muốn con em sau này phải biết chữ viết của dân tộc nó và tự hào về điều đó!

Chia sẻ của Đặng Thị Phin làm chúng tôi phải suy nghĩ thật nhiều. Dù chỉ là một nông dân sớm hôm vất vả với nương rẫy nhưng ý thức và những suy tư, việc làm để giữ lấy một thành tố đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc của chị thật đáng trân trọng. Đặng Thị Phin cũng là đội trưởng đội văn nghệ thôn. Phin bảo, nếu đoàn ở lại tối nay, chị sẽ động viên các thành viên trong đội văn nghệ thôn tổ chức sinh hoạt văn nghệ, cùng múa hát giao lưu với đoàn. Chị em trong đội văn nghệ có đầy đủ các thành phần dân tộc trong thôn và luôn tập luyện các tiết mục văn nghệ đặc trưng của các dân tộc như Mông, Dao, Mường, Tày... Vậy nhưng ánh nắng chiều đã dần buông trên triền núi. Dù nấn ná, luyến tiếc nhưng chúng tôi đành phải nói lời tạm biệt Bí thư chi bộ Pàng A Páo, Đội trưởng đội văn nghệ thôn Đặng Thị Phin, anh thanh niên thổi sáo Mông Tráng A Lừ và bà con thôn Phú Vinh. Mong một ngày trở lại. Ngày ấy, chắc hẳn thôn Phú Vinh sẽ giàu đẹp hơn và bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em nơi đây vẫn được phát huy, gìn giữ. Ngày ấy, chắc hẳn chúng tôi sẽ ở lại để cùng bà con đốt lửa trại, cầm tay nhau ca hát vang núi đồi và vang cả mặt hồ thủy điện Buôn Tua Sar.

                                         Toàn cảnh thôn Phú Vinh. Ảnh: Trần Hồng Vân


Tin liên quan