Bàn về tính điển hình trong tác phẩm văn học
TỐNG DUY HẢI
Khái niệm điển hình được dùng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật mà trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người. Điển hình theo cách hiểu chung nhất là những nét tiêu biểu nhất, tập trung nhất của một kiểu loại nào đó. Nó là kiểu mẫu, là cá thể mang tính trội. Trong lĩnh vực sinh học, người ta có thể lấy điển hình để nghiên cứu, khái quát đặc điểm chung của giống, loài. Trong đời sống xã hội, người ta cũng lấy những cá nhân tiêu biểu làm mẫu cho những chuẩn mực đạo đức, cho một kiểu loại người. Có lẽ xuất phát từ cách hiểu chung nhất ấy mà ông Trường Chinh đã định nghĩa điển hình nghệ thuật như sau: “Điển hình trong nghệ thuật là những nét, những tính cách cơ bản nhất, bản chất nhất, quan trọng nhất và nổi bật nhất trong đời sống của xã hội được tập trung biểu hiện và nâng cao qua sự sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng chung quy nó vẫn là cuộc sống”. Với định nghĩa này, Trường Chinh đã chỉ ra được hạt nhân cơ bản của điển hình nghệ thuật là tính chất tiêu biểu, nổi bật và bản chất của các hiện tượng đời sống được kết tinh trong hình tượng nghệ thuật. Và hiển nhiên yêu cầu hàng đầu đối với điển hình là tính chân thực, là chất lượng phản ánh hiện thực. Một vấn đề cần phải lưu ý ở đây là không được đồng nhất điển hình xã hội và điển hình nghệ thuật. Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sản phẩm sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ trên cơ sở khái quát hóa và cá thể hóa đời sống. Không thể đồng nhất cái được phản ánh và cái phản ánh. Không có một hình tượng nghệ thuật nào giống hệt nguyên mẫu ngoài đời. Chủ nghĩa hiện thực cũng chỉ tạo ra được ảo tưởng về sự giống thật mà thôi. Vladimir Ilyich Lenin rất tán thành ý kiến của Ludwig Andreas Feuerbach trong kiến giải về bản chất của nghệ thuật: “Nghệ thuật không đòi hỏi phải thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực”. Nghệ thuật có thể dung nạp mọi phương thức phản ánh từ huyền thoại, phúng dụ, nhân hóa, tượng trưng… đến hình thức bản thân đời sống. Vì vậy xem xét điển hình nghệ thuật không phải là xem hình thức phản ánh có thật hay không mà cơ bản là xem bản chất, quy luật đời sống được phản ánh trong hình tượng như thế nào.
Điển hình là hiện tượng nghệ thuật phổ biến không những có trong chủ nghĩa hiện thực mà còn có trong chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa cổ điển và nghệ thuật dân gian nữa. Mỗi thời đại có cách hình dung, lí giải thế giới riêng và các hình thức khái quát hóa nghệ thuật cũng không ngừng thay đổi. Trong quá trình phát triển nghệ thuật luôn luôn có sự kế thừa và cách tân về hình thức phản ánh hiện thực. Cho nên không thể chia tách một cách siêu hình các phương pháp sáng tác. Có những phương thức phản ánh có từ xa xưa lại trở về trong nghệ thuật hiện nay. Nhưng đó là sự trở về có ý thức trên cấp độ cao hơn: Ví dụ yếu tố huyền thoại trong văn học hiện đại. Có điểm gặp gỡ của các phương pháp điển hình hóa nghệ thuật là sự cường điệu, tô đậm làm cho hiện thực được phản ánh nổi bật hơn, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Ngay cả chủ nghĩa hiện thực cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy có thể quan niệm rằng, điển hình là hình tượng có chất lượng cao, kết tinh tư tưởng, tình cảm, vốn sống và tài năng sáng tạo của nghệ sĩ; nó phản ánh chân thực, sinh động bản chất và quy luật của hiện thực đời sống trong một hình thức nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ. Nhà phê bình vĩ đại Nga, V.Biêlinxki cũng coi điển hình là biểu hiện của tài năng sáng tạo, của chất lượng phản ánh, là hình tượng có chất lượng cao. Ông viết: “Tính điển hình là một trong những dấu hiệu nổi bật nhất của tính mới mẻ trong sáng tạo, có thể nói rằng, điển hình là huy chương của nhà văn. Dưới ngòi bút của nhà văn thực sự tài năng thì mỗi nhân vật là một điển hình. Đối với độc giả mỗi điển hình là một “người lạ quen biết”.
Sự khái quát hóa trong nghệ thuật khác với sự khái quát hóa trong khoa học. Trong lúc khoa học gạt bỏ cái ngẫu nhiên cá biệt để nắm lấy bản chất cốt lõi, quy luật – đó là quá trình trừu tượng hóa không ngừng từ thấp đến cao – thì trong nghệ thuật khái quát hóa lại gắn liền với cá biệt hóa. Vì vậy đặc điểm nổi bật của điển hình nghệ thuật là sự thống nhất biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa cái khái quát và cái cá biệt. Hình tượng điển hình là chất nhụy được kết tinh từ hiện thực.
Quá trình kết tinh đời sống hiện thực trong điển hình nghệ thuật rất phong phú đa dạng. Nhà văn có thể căn cứ vào những nguyên mẫu có sẵn ở ngoài đời để xây dựng hình tượng nhưng bản thân nguyên mẫu phải là những điển hình xã hội, là cá thể biểu hiện tập trung tính quy luật. Có nhiều điển hình được nảy sinh nhờ sự gặp gỡ giữa kinh nghiệm đời sống của nhà văn và nguyên mẫu mà nhà văn may mắn gặp được ngoài đời. Hình tượng anh Núp trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, chị Sứ trong Hòn đất của Anh Đức là những trường hợp như thế. Các nhà văn hiện thực đặc biệt coi trọng việc sử dụng nguyên mẫu. Các nhà văn vĩ đại như: Balzac, Stendhal, Turgenev, Chekhov, Dostoevsky … đều sử dụng nguyên mẫu để xây dựng điển hình. Người ta đã tìm thấy dáng dấp của các nguyên mẫu trong các nhân vật Nilốpna (Gorki), AQ (Lỗ Tấn), bà mẹ La (Nguyên Hồng), chị Sứ (Anh Đức)… Ngay cả bản thân tác giả cũng có thể tự khai thác mình như một nguyên mẫu, và trong trường hợp ấy, độc giả sẽ tìm thấy sự trùng lặp của nhiều chi tiết giữa tiểu sử tác giả với số phận đời tư của các nhân vật. Đó là trường hợp của Ostrovsky với Paven Coocsaghin (Thép đã tôi thế đấy), Lỗ Tấn với Tấn (Cố hương), Nam Cao với Thứ (Sống mòn), Lê Lựu với Giang Minh Sài (Thời xa vắng)… Nhưng đừng nhầm tưởng rằng dùng nguyên mẫu là sao chép, mô phỏng hiện thực. Nguyên mẫu chỉ là xuất phát điểm, một phần tài liệu mà nhà văn xây dựng điển hình. Nhà văn phải hư cấu, tái tạo, cải biến các đặc điểm của nguyên mẫu cho phù hợp ý đồ sáng tạo của mình. Đó là quá trình làm cho sự thực của đời sống sinh động hơn, nổi bật hơn, dễ nhận thấy hơn. Có lẽ phổ biến hơn là con đường tổng hợp từ những tài liệu đời sống để xây dựng điển hình. Đó là quá trình kết tinh trong tâm trí nhà văn những ấn tượng, những biểu tượng, những chi tiết và dần dần định hình thành một chỉnh thể mang tính nghệ thuật. Trong vô vàn những gương mặt đời thường, giữa muôn ngàn những biến cố của lịch sử, nhà văn đồng hóa và tái hiện lại bức tranh đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo. Đời sống hàng ngày dù đa dạng, phong phú đến đâu cũng không thể cung cấp cho người viết một nhân vật hoặc cốt truyện hoàn chỉnh. Chính Tolstoy, bậc thầy của tiểu thuyết hiện thực đã chỉ ra rằng: “Cần phải quan sát nhiều người cùng loại với nhau để xây dựng một kiểu người nhất định”, “Nếu miêu tả một con người mà chỉ lấy một người thật làm mẫu thì kết quả sẽ là một cái gì đơn nhất, ngoại lệ và không thú vị”. Đương thời, nhân vật Natasha trong Chiến tranh và hòa bình của ông được độc giả rất hâm mộ. Khi trả lời câu hỏi “Natasha là ai?” Tolstoy cho biết: “Đó là một phép cộng của phu nhân Tolstoy và em gái của bà ta!”. Còn Lỗ Tấn hình tượng và hài hước hơn khi nói về AQ: “Nhân vật của tôi có tà áo ở Bắc Kinh, cái ria ở Triết Giang, miệng cười ở Vũ Hán”. Lẽ đương nhiên, cả Natasha và AQ đều không thuộc về một con người cụ thể nào hết vì bản thân họ vừa chứa đựng cái phần thực của cuộc sống, vừa chứa đựng cả phần hư cấu sáng tạo thêm của nhà văn. Họ là sự kết tinh cao nhất của năng lực sáng tạo và ý đồ nghệ thuật của nhà văn và mãi mãi là những người “xa lạ” nhưng “vô cùng quen biết”.
Là sản phẩm sáng tạo trên cơ sở khái quát hóa đời sống, hình tượng điển hình chứa đựng những nét, những tính cách tiêu biểu nhất, nổi bật nhất, có khả năng gây được ấn tượng thật hơn con người thật ngoài đời. Một mặt, do tính cụ thể lịch sử quy định, điển hình nghệ thuật chứa đựng những nét tiêu biểu của dân tộc, giai cấp, thời đại; mặt khác, do sức sống nội tại của nó, điển hình có thể trở thành những kiểu mẫu, siêu mẫu, trở thành danh từ chung để chỉ một loại người hoặc kiểu tính cách nào đó. Khi có sức sống nội tại, hình tượng điển hình đi vào đời sống con người như một cá thể độc lập, có tên gọi, có thuộc tính, có gương mặt riêng. Đến lượt mình, hình tượng điển hình lại trở thành “mẫu”, “thước đo” các dạng tính cách của con người trong xã hội. Bởi vì các dạng, các kiểu, các tính cách ấy được thể hiện ở hình tượng điển hình tập trung hơn, đậm đặc hơn đến mức con người trong hiện thực khó có thể vượt qua được. Biết bao nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật mãi mãi có sức ám ảnh nhân loại: Prometheus, Don Quixote, Othello, Tactuyp, Grandet, Anna Karenina, Natasha, Tào Tháo, AQ, Thúy Kiều, Chí Phèo…
Tuy nhiên, sức mạnh của điển hình nghệ thuật không chỉ ở khả năng khái quát hóa cao mà còn ở tính cá thể hóa độc đáo. Thiếu tính cụ thể độc đáo hình tượng sẽ mất đi sức sống nội tại, sẽ không có khả năng in vào trí nhớ mọi người một bức chân dung. Một khi hình tượng có sự sống riêng, nó sẽ đi đứng nói năng, hành động theo kiểu riêng của nó, không giống bất cứ ai. Trong bức thư gửi cho Minna Kautsky, nhân bàn về cuốn Những người cũ và những người mới của bà, Friedrich Engels viết: “Trong hai giới đã miêu tả, tôi thấy bà đã thể hiện nổi bật những cá tính của nhân vật, đó là biệt tài mà bà thường tỏ ra về phương diện này: mỗi cá tính là một điển hình, nhưng đồng thời cũng là một cá nhân riêng biệt, tức là “con người này” như Hegel trước kia đã nói, và ắt hẳn phải như thế”.
Điều khó khăn nhất, thử thách lớn nhất đối với nhà văn không chỉ là phát hiện ra bản chất và quy luật của xã hội mà còn thể hiện quy luật ấy bằng hình tượng cụ thể độc đáo. Nếu không có tài năng và vốn sống, nhà văn không thể xây dựng được hình tượng điển hình, không thêm vào được khách thể tinh thần một đối tượng mới. Để cá thể hóa nhân vật một cách cao độ nhà văn cần phải tìm ra cá tính độc đáo của nhân vật, tạo dựng cho nhân vật chân dung riêng, ngôn ngữ riêng và phương thức hành động riêng. Friedrich Engels rất có lí khi chỉ ra yếu tố cơ bản bộc lộ tính cách con người: “Đặc trưng của cá nhân không những thể hiện ở việc mà cá nhân ấy làm, mà còn ở cách mà cá nhân ấy làm việc đó nữa”. Trong sáng tạo nghệ thuật, chi tiết cũng có vai trò quan trọng trong cá thể hóa nhân vật. Các nhà văn hiện thực đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chi tiết. Họ thường dùng các chi tiết và thông qua chi tiết nói lên qúa trình diễn biến nội tâm phức tạp và đặc điểm tâm lí của nhân vật. Người đọc hiểu niềm say mê tiền bạc, khát vọng làm giàu của Grăngđê chỉ cần qua chi tiết: “Khi nhìn thấy đồng tiền vàng mắt lão sáng ra và lòng ấm lại”, hiểu được diễn biến tình cảm của Anna Karenina qua chi tiết nàng thấy tai chồng mình sao hôm nay to thế. Thi hào Nguyễn Du cũng nói lên tính cách của các nhân vật nhờ vào hệ thống chi tiết độc đáo. Một Hoạn Thư “sâu sắc lạ đời” thì bề ngoài “thơn thớt nói cười”. Một Sở Khanh lừa đảo thì “lẩm nhẩm gật đầu”, “rẽ song … lẻn vào”, còn tên buôn người trâng tráo Mã Giám Sinh thì “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Trong văn học Việt Nam hiện đại tính độc đáo của điển hình trước hết phải kể đến Chí Phèo. Chí được cá thể hóa từ ngoại hình đến ngôn ngữ, từ hành vi đến cách thức hành động. Mới thoạt nhìn người ta đã nhận ra một Chí Phèo lưu manh bởi “cái đầu trọc lốc”, “cái mặt câng câng”, “đôi mắt gườm gườm” của hắn. Say và chửi, là trạng thái tinh thần và ngôn ngữ của Chí, vừa ôm Thị Nở vừa la làng là cách tỏ tình riêng của Chí. Nhưng trong một cá thể độc đáo ấy lại có bóng dáng của bao kẻ “cố cùng liều thân”.
Như vậy khái quát hóa và cá thể hóa thống nhất biện chứng đã tạo nên sức mạnh của điển hình nghệ thuật. Hình tượng điển hình có sức sống trường tồn và mang dấu ấn của hoàn cảnh, của thời đại. Mỗi thời đại, mỗi xã hội đều sinh ra một kiểu mẫu nhất định. Những kiểu mẫu người ấy được tái tạo qua điển hình và đến lượt mình điển hình mang dấu ấn của hoàn cảnh để đi vào dòng thời gian. Để rồi thời đại lại kế thừa và phát triển, soi bóng và in dấu ấn của mình, để phát hiện mình và để không ngừng sáng tạo.