A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con người đời thường với những suy nghĩ đa chiều trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

TRẦN MỸ PHƯƠNG

Nguyễn Minh Châu được biết đến là “người mở đường tài năng và tinh anh” của dòng văn học Việt Nam hiện đại. Với quan niệm văn chương “văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là con người”. Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho văn chương Việt Nam những trang viết đậm hơi thở của cuộc sống, chân thật và ấm áp tình người. Sức hấp dẫn của văn Nguyễn Minh Châu không chỉ bởi những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, ở đó nhân vật được tắm trong một bầu không khí vô trùng và có khả năng miễm nhiễm với tất cả mọi khổ đau, vất vả; mà còn ở những câu chuyện đậm chất đời tư thế sự, ở đó nhân vật tự nhận thức và có cái nhìn đa chiều hơn. Chính sự dũng cảm rất điềm đạm của mình mà Nguyễn Minh Châu đã thành công dù là ở khuynh hướng sáng tác nào và với kiểu nhân vật nào.

Trong những sáng tác trước 1975, Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật của mình đại diện cho kiểu người “vô trùng” trong xã hội. Đó là người lính trên chiến trường, sự kết tinh vẻ đẹp của dân tộc đã mang đến cho họ một kháng thể miễn nhiễm mạnh mẽ trước mọi bão táp phong ba. Chính vẻ đẹp của thời đại đã bảo vệ họ trong vòng bọc bất biến của những phẩm chất tốt đẹp. Tính “vô trùng” càng được minh chứng trong bom rơi đạn lửa, càng thử thách khó khăn, vẻ đẹp của con người càng bền vững và rạng ngời. Họ luôn là những con người dũng cảm, có lý tưởng sống cao đẹp, dù có bất kỳ tình huống hay biến cố nào xảy ra thì họ vẫn một lòng thủy chung với cách mạng, điển hình như Lãm và Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng.

Sau năm 1975, trong Chiếc thuyền ngoài xa, hiện thực là một bức tranh mới, không còn là cảnh chiến trường mà  là cuộc sống của những người dân chài lam lũ. Cuộc sống ấy đẩy con người dần về phía bế tắc, khiến họ đánh mất đi chính bản thân mình, trở thành những con người trần trụi, thô bạo. Mỗi nhân vật nhà văn đều xây dựng một cách độc đáo, ẩn sâu trong thiên tính nữ, dịu dàng, nhẫn nhịn là tính cách mạnh mẽ của một ý chí, nghị lực, một thế giới lạ lùng đầy ngưỡng mộ, khó có thể hiểu được ngay khi mới tiếp xúc. Chiếc thuyền ngoài xa kể về cuộc đời một người đàn bà vật lộn với cuộc sống nhọc nhằn, lo cơm áo và giữ gìn nhân phẩm, đạo đức. Chị sống giản dị và nhẫn nhịn bằng tất cả lòng yêu thương, vị tha, trân trọng con người. Sự nhẫn nhịn, chịu đựng một cách thái quá của người đàn bà trong truyện đôi khi người đọc không thể chấp nhận. Chị sống cùng với người chồng thô bạo, độc ác, đánh vợ không tiếc tay, “bất cứ khi nào thấy khổ quá”, “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”… Hắn đánh chị như để trút lên chị tất cả những bực dọc, uất ức, hổ thẹn về cuộc sống đói rách, đối với hắn, chị và lũ con là cội  nguồn làm cuộc sống gia đình đói khổ. Ấy vậy mà chị vẫn cam chịu, chấp nhận và dường như coi đó là định mệnh không đổi thay của đời mình. Tính triết lí của thiên truyện chính ở chỗ nghịch lí này. Trong cuộc mưu sinh và giữ gìn nhân phẩm, con người nhiều khi phải chấp nhận sống trong nghịch lí, bằng lòng với nghịch cảnh, dù cho đó là những nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời.

Đọc các tác phẩm Nguyễn Minh Châu viết trong thời kì đổi mới, độc giả dễ dàng nhận thấy con người hiện lên qua mỗi trang văn của ông không phải là con người nhất phiến mà là con người đa chiều và phức tạp. Người đàn bà xấu xí, bất hạnh, sẵn sàng nộp mình cho người chồng bạo ngược, dữ dằn bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ mờ sương là hiện thực kinh hoàng, bất ngờ nhất đối lập với cái đẹp. Nó làm cho người nghệ sĩ “chết lặng” bởi đằng sau cái đẹp huyền ảo là cái xấu xa, tàn bạo đến không ngờ. Đó cũng là triết lí ngầm ẩn của nhà văn về mặt trái của cuộc đời: Những nghịch lí đau lòng, không lí giải nổi. Cuộc sống luôn có hai mặt song hành là đẹp – xấu, thiện – ác, thực – mộng, gần – xa, tất nhiên – ngẫu nhiên… Chứng kiến người đàn bà hàng chài bị người chồng vũ phu đánh đập, nghệ sĩ Phùng tưởng chị là người cam chịu, đầy nhẫn nhục bởi “không hề một tiếng kêu, không chống trả cũng không tìm cách chạy trốn”. Nhưng khi trò chuyện trực tiếp với chị, nghệ sĩ Phùng mới nhận ra sau vẻ lam lũ, khổ sở là một người phụ nữ sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Chị khước từ sự giúp đỡ của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu, chị ý thức được thiên chức của người phụ nữ và hứng chịu mọi nhọc nhằn, khổ đau để các con được hạnh phúc. Người phụ nữ ấy còn là người giàu lòng vị tha. Chị hiểu được trước đây chồng vốn là anh con trai cục tính nhưng hiền lành, cũng nghĩ cho vợ con nhưng rồi cuộc sống mưu sinh khổ nhọc làm cho anh tha hóa. Điều đặc biệt chị vẫn giữ được trong tâm hồn mình ngọn lửa của hi vọng, của niềm tin. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi và rất đỗi đời thường.

Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, dù có là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cốt truyện thường không đóng một vai trò nào đáng kể. Nhà văn tập trung chú ý vào thân phận con người, tính cách nhân vật và đã huy động vào đấy tâm hồn đa cảm dồi dào ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc sống, bút pháp chân thực và một giọng văn trữ tình trầm lắng ấp áp. Có thể nói Chiếc thuyền ngoài xa là hành trình trở về với đời thường, với mảnh đất miền Trung cằn cỗi và cơ cực, đau đáu đi tìm câu hỏi cho những phận người trong cuộc sống đời thường trăm đắng ngàn cay. Một câu chuyện đơn giản nhưng đã chứa đựng những phát hiện mới mẻ hàm chứa quan niệm văn chương hướng về con người của Nguyễn Minh Châu. Nếu chỉ nghĩ suy một cách xuôi chiều đơn giản, cuộc sống khi có ánh sáng cách mạng sẽ đổi đời cho số phận người lao động, sẽ xoá tan những bi kịch đè nặng lên kiếp người. Thế nhưng Nguyễn Minh Châu đã gợi mở cho chúng ta: Cách mạng không phải giải quyết bi kịch trong một sớm một chiều, con người vẫn phải đối diện với những bi kịch đời mình, hạnh phúc chung đã có, nhưng hạnh phúc riêng của mỗi người lại đang là một hành trình nan giải.

Nghệ sĩ Phùng đi tìm những vẻ đẹp đích thực của cuộc sống, ngỡ như anh đã phát hiện ra một khung cảnh toàn bích với hình ảnh chiếc thuyền lưới vó đang hướng vào bờ trong một buổi sáng có sương mù trắng như tuyết và màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào, nhưng khi người đàn ông xuất hiện cùng với người đàn bà thì đã nhanh chóng phá vỡ cảm giác thăng hoa nghệ thuật bằng trận đòn dây lưng quật thẳng tay vào người vợ không thương xót. Thế mới hiểu đằng sau cái tốt, cái đẹp và cái cao cả thì vẫn luôn tồn tại cái xấu và cái thấp hèn. Nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu những tưởng sẽ thuyết phục được người đàn bà bỏ chồng với những lí lẽ mà họ đưa ra, nhưng cuối cùng chính các anh lại được người đàn bà ấy cảm hóa bằng cái tình của một người đã và đang làm vợ làm mẹ. Văn chương của Nguyễn Minh Châu đã đưa tới cho người đọc thêm một thông điệp nhân văn, sâu sắc. Cuộc sống không đơn giản xuôi chiều, chúng ta cần dung hòa giữa cái lí và cái tình để nhìn thấu mọi việc và nhìn thấu con người hơn.


Tin liên quan