A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LÁ PHIẾU VÀ NIỀM TIN

Ngày 23/5/2021 là ngày cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), chúng ta đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946) thành công. Đó là một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ của một đất nước, một dân tộc mới giành được độc lập. Thời điểm đó, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài cũng như giặc đói, giặc dốt và những âm mưu đen tối của các thế lực phản động hòng tiêu diệt cách mạng Việt Nam còn non trẻ. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc bầu cử thắng lợi, để lại dấu ấn lịch sử chói lọi cho đất nước. Ngày ấy, đại đa số cử tri lần đầu tiên mới được thực hiện quyền bầu cử của mình, những nông dân chưa đọc thông viết thạo, tuyệt đại đa số phụ nữ lần đầu được cầm trên tay lá phiếu… Tất cả đều xúc động, tự hào đến rơi nước mắt vì đi bầu cử đối với họ chính là khẳng định quyền công dân của một đất nước tự do và độc lập, quyền được bình đẳng trong xã hội.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, hai miền Nam Bắc nước ta tạm thời chia cắt. Những người con miền Nam ra Bắc tập kết mang trong mình niềm hy vọng lớn lao sẽ được trở về quê hương, đoàn tụ gia đình sau ngày tổng tuyển cử tự do dự kiến vào ngày 20/7/1956. Nhưng Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam không những đã cự tuyệt thi hành những điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ, mà còn gây chia rẽ, hận thù, chống lại lợi ích và khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Ngày tổng tuyển cử đã bị chế độ Ngô Đình Diệm cố tình vi phạm, nên phải kéo dài cuộc đấu tranh gian khổ hy sinh để 20 năm nữa đến năm 1976 mới lại có cuộc bầu cử thống nhất đất nước. Những cử tri ngày ấy cũng hân hoan biết bao khi cầm trên tay lá phiếu bầu tự do trên đất nước nay đã hoàn toàn hòa bình, thống nhất.

Kể từ khi đất nước thống nhất, độc lập cho đến nay đã trải qua nhiều cuộc bầu cử, mỗi cuộc bầu cử ngày càng hoàn thiện hơn, tính dân chủ trong bầu cử ngày càng được mở rộng và quy trình bầu cử cũng như lựa chọn nhân sự ngày càng chặt chẽ và khoa học. Người dân đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội, một dịp sinh hoạt chính trị của Nhân dân cả nước; chất lượng đại biểu Quốc hội, HĐND ngày càng được nâng cao. Điều này được minh chứng trên diễn đàn của Quốc hội, của HĐND các cấp ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tiếng nói đại diện cho quyền lực Nhân dân trong hoạt động kiểm tra giám sát của các đại biểu Quốc hội, HĐND, trong các phát biểu, kiến nghị, góp ý và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, trong giải quyết những vấn đề mà cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. Để đạt được những thành tựu trên, một trong những yếu tố quyết định và không thể không nói đến đó là tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân ngày càng được nâng cao thông qua việc lựa chọn những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.

Ở nước ta, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước; HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Do đó, thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Do đó cần lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn được pháp luật qui định cụ thể là: Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND phải trung thành với tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, HĐND. Tuy nhiên, để lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đủ các tiêu chuẩn theo quy định, việc chuẩn bị nhân sự ứng cử phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB MTTQVN) các cấp chủ trì và tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc bầu cử được tiến hành dựa trên hệ thống thiết chế pháp luật rất vững chắc như: Hiến pháp năm 2013, luật Tổ chức Quốc Hội năm 2014, luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015… Điều này có nghĩa là các quyền, nghĩa vụ của công dân, của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, các quy trình tổ chức đều được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân cũng như phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên trước thềm bầu cử, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã và đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá cuộc bầu cử với tính chất hết sức manh động. Thông qua việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những luận điệu sai trái, thiếu trung thực, phiến diện, quy chụp với mục đích hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, gieo rắc nhận thức lệch lạc, sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử ở nước ta nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được tiến hành rất khẩn trương trên phạm vi cả nước. Đối với tỉnh Đắk Nông đến nay công tác chuẩn bị đã rất chu đáo, UBMTTQVN các cấp đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ III, lập danh sách chính thức người ứng cử. Căn cứ kết quả hiệp thương, toàn tỉnh có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; HĐND cấp tỉnh có 88 người ứng cử; HĐND cấp huyện có 452 người ứng cử; HĐND cấp xã 2.960 người ứng cử. 680 tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc niêm yết danh sách cử tri tại các khu vực bỏ phiếu với tổng số 410.659 cử tri. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, nhất là cổ động trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Các địa phương đã tập trung bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng các phương án đối phó với tình huống bất ngờ, dịch bệnh; Ủy ban bầu cử tỉnh, Ban bầu cử các cấp đã tổ chức kiểm tra, giám sát bầu cử tại các địa phương để nắm bắt tình hình thực hiện ở cơ sở và kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế.

Ngày 23/5/2021, ngày cử tri cả nước đi bầu cử đã đến gần, mong rằng mọi cử tri sẽ phát huy tinh thần, thái độ và trách nhiệm của một công dân Việt Nam, xứng đáng là một cử tri có trách nhiệm để lựa chọn bầu ra được những đại biểu ưu tú của đất nước. Lá phiếu bầu cử của mỗi cử tri là niềm tự hào, vinh dự, đồng thời biểu hiện niềm tin yêu sâu sắc của Nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN./.

 CẢNH PHƯƠNG

 


Nguồn:vanhocnghethuat.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Chưa có bài viết nào