A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bon Jarah - nơi bản sắc văn hóa được lưu giữ, phát huy

PHAN AN

Bon Jarah là địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến Nâm Nung (xã Nâm Nung, huyện K rông Nô, tỉnh Đắk Nông). Hiện nay, cùng với sự phát triển, đổi thay mạnh mẽ của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của bà con bon Jarah cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt đây là một trong những bon làng M’nông lưu giữ, phát huy rất hiệu quả bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

Người nghệ nhân tài hoa và tâm huyết

Y Xuyên là một trong rất ít những nghệ nhân còn khỏe mạnh, minh mẫn của bon Jarah. Năm nay đã bước sang tuổi 70 nhưng đôi mắt Y Xuyên vẫn sáng ngời và giọng nói vẫn sang sảng. Cũng như rất nhiều người con của bon làng Jarah, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Y Xuyên đã thoát ly gia đình lên căn cứ Nâm Nung tham gia chiến đấu bảo vệ bon làng. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Y Xuyên xuất ngũ và trở về lại bon làng Jarah xây dựng cuộc sống. Từ khi còn trẻ cho đến bây giờ, Y Xuyên vẫn đam mê, cần mẫn và miệt mài cùng những việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông.

                    Nghệ nhân Y Xuyên hướng dẫn đội chiêng bon Jarah tập luyện. Ảnh: Trần Hồng Vân

Y Xuyên không thể nhớ từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, bao nhiêu cây nêu đã được thiết kế, dựng lên trong những dịp bon làng có lễ hội quan trọng, đặc biệt là lễ Tăm Blang M’prang Bon (lễ trồng cây Pơ lang rào bon), lễ Tăm N’gap Bon (lễ sum họp cộng đồng) và lễ cúng mừng lúa mới... Những dịp đó, bên cạnh tiếng cồng chiêng rộn rã, những cây nêu cao trên 7 mét với 3 tầng thể hiện vị trí, thứ tự của vũ trụ được dựng. Trong tâm thức của người M’nông, cây nêu chính là nơi trú ngụ của các thần linh. Các vị thần linh sẽ về dự lễ hội và ở nơi trang trọng nhất để chứng kiến lòng thành cũng như giúp đỡ bon làng. Thế nhưng cuộc sống hiện đại, cùng với sự mai một của các lễ hội truyền thống, tập tục dựng cây nêu cũng mất dần và cũng chẳng mấy ai biết cách dựng cây nêu. Để khôi phục lại những nghi lễ, lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào mình, Y Xuyên đã đề xuất, kiến nghị với ngành văn hóa các cấp tổ chức phục dựng lại ngay tại bon làng Jarah. Nhờ đó, mấy năm nay, bon Jarah đã tổ chức được một số lễ hội truyền thống. Trong các lễ hội này có nghi lễ dựng cây nêu dưới sự tổ chức thực hiện và hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ của Y Xuyên. Từ đây, một số thanh niên trong bon làng đã hiểu được ý nghĩa cũng như cách làm cây nêu của dân tộc mình.

Không chỉ hết sức, hết mình với việc gìn giữ các nghi lễ truyền thống, Y Xuyên còn đau đáu, trăn trở với việc làm sao giữ lại tiếng chiêng cho bon làng. Lớp trẻ đã xa rời thanh âm của tiếng cồng chiêng cả mười mấy năm nay. Những bộ chiêng trong nhiều gia đình cũng đã bị bán. Y Xuyên quyết giữ lại bộ chiêng cổ của gia đình và vận động một số người già và thanh niên trong bon lập đội chiêng bon Jarah. Giờ đây, tại các hội diễn văn nghệ quần chúng ở địa phương, Y Xuyên và đội chiêng bon Jarah luôn tham gia biểu diễn. Với những tâm huyết và đóng góp của mình, năm 2015, Y Xuyên đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Rộn rã tiếng cồng chiêng

H’Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, một người con của bon làng Jarah hiện đang là đội trưởng đội chiêng bon Jarah. Chị H’Thương cho biết, để góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân Y Xuyên và chị đã tích cực vận động một số người già và thanh niên trong bon thành lập nên đội chiêng. Ban đầu, người thì im lặng, người thì không đồng tình. Nhưng bằng sự kiên trì thuyết phục, đội chiêng đã ra đời với 12 thành viên. Trong đó có 6 thành viên chính và 6 thành viên dự bị. Thành viên già nhất là cụ Y Dếnh năm nay 72 tuổi, thành viên trẻ nhất là chị H’Blim mới 24 tuổi. Cứ mỗi tháng một lần, đội chiêng lại tập luyện diễn tấu những bài chiêng truyền thống của người M’nông dưới sự trực tiếp truyền dạy của nghệ nhân Y Xuyên. Sau 4 năm hình thành và đi vào hoạt động, đội chiêng bon Jarah giờ đây luôn có mặt tại mọi hội diễn văn nghệ quần chúng của xã Nâm Nung và cả huyện K rông Nô. Điều quan trọng nhất, qua chứng kiến hoạt động của đội chiêng, người dân bon Jarah cũng như xã Nâm Nung, đặc biệt là lớp trẻ đã hiểu thêm về một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó bà con thêm trân quý và nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

                               Một tiết mục diễn tấu của Đội chiêng bon Jarah. Ảnh: Trần Hồng Vân

Là thành viên trẻ nhất của đội chiêng, chị H’Blim tâm sự “chúng tôi lớn lên đã tiếp nhận ngay với lối sống hiện đại và hình thức giải trí qua ti vi và điện thoại thông minh. Do vậy, lúc đầu bản thân tôi cũng không hào hứng với việc tham gia đội chiêng. Tuy nhiên sau khi được nghệ nhân Y Xuyên và chị H’Thương giảng giải về ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng và sự cần thiết phải gìn giữ tiếng chiêng như là một di sản văn hóa của người M’nông, tôi đã mạnh dạn tham gia. Đến nay tôi đã thuần thục một số bài chiêng cổ M’nông và luôn háo hức được cùng đội chiêng tham gia các hội diễn văn nghệ tại địa phương cũng như trong tỉnh, ngoài tỉnh”.

Theo chị H’Thương, hiện nay xã Nâm Nung đang phối hợp với phòng văn hóa và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện K rông Nô tổ chức các lớp bồi dưỡng về diễn tấu cồng chiêng cho các bon làng lân cận trong xã Nâm Nung. Để từ đội chiêng của bon Jarah, tiếng chiêng sẽ được lưu giữ và cất tiếng ngân vang ở bon xa bon gần mỗi khi có lễ hội truyền thống của người M’nông trên địa bàn.

Nghề dệt truyền thống giúp nâng cao thu nhập

Gia đình chị H’Thinh là một trong năm gia đình chuyên dệt trang phục truyền thống của dân tộc M’nông tại bon Jarah. Năm nay 38 tuổi, H’Thinh đã quen với đường kim, mũi chỉ từ lúc lên mười khi được bà ngoại và mẹ chỉ dạy. Thế rồi, tuổi 18 lấy chồng, H’Thinh đã gắn bó với nghề dệt cho đến nay. Những bộ trang phục chị dệt không chỉ cho bản thân và gia đình mà còn đủ phục vụ nhu cầu của bà con trong bon Jarah, các bon lân cận và khách gần xa. Một bộ trang phục M’nông truyền thống, chị dệt khoảng 15 ngày và bán được chừng 3 triệu đồng. Mặt hàng dễ tiêu thụ nhất vẫn là chăn, khăn, gối... Dù mỗi tháng, nghề dệt thổ cẩm chỉ mang lại cho chị khoảng 5 triệu đồng nhưng với gia đình chị đây là một khoản thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và cho các con ăn học. Hơn thế, như chị H’Thinh tâm sự: Khi thêu những hoa văn truyền thống M’nông lên chiếc khăn hay tấm áo, chị như gửi cả được những yêu thương và tấm lòng của người phụ nữ M’nông lên đó. Nhìn những tấm chăn, chiếc khăn dệt xong, chị càng tự hào thêm về cái công việc bình dị của mình. Cái công việc mà chị đã góp phần nhỏ bé để giữ gìn những hoa văn M’nông truyền thống, quảng bá, giới thiệu đến mọi người nét đẹp nghề dệt truyền thống của dân tộc.

                                  Nghệ nhân H'Thinh dệt thổ cẩm M'mông. Ảnh: Trần Hồng Vân

Từ sự thành công của mình, chị H’Thinh đã động viên những chị em biết dệt cùng tham gia. Với sự giúp đỡ của chị, đã có thêm 5 chị em khác mạnh dạn chuyển qua nghề dệt. H’Thinh đang ấp ủ cho mình ý tưởng thành lập tổ hợp tác dệt truyền thống bon Jarah để các thành viên có thể giúp đỡ nhau được nhiều hơn, thu nhập ổn định hơn.

Thực tiễn cho thấy rằng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số chưa bao giờ là việc dễ dàng, có thể làm trong ngày một ngày hai. Thế nhưng được gặp, được trao đổi và chứng kiến những việc làm của các nghệ nhân và bà con đồng bào M’nông ở bon làng Jarah, xã Nâm Nung, chúng ta có thêm niềm tin về sự thành công của việc gìn giữ và lan tỏa các giá trị trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Thành công đó khởi nguồn từ ý thức và niềm tự hào về văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình.

 


Tin liên quan