Hình tượng người anh hùng mang khuynh hướng sử thi trong truyện ngắn giai đoạn 1964 - 1975
AN LÂM (tổng hợp)
Trong quãng thời gian ba mươi năm, từ sau Cách mạng tháng Tám thì giai đoạn 1964 - 1975 là thời điểm mà Tổ quốc có nhiều niềm vui song chưa trọn vẹn. Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn như nỗi đau hai miền chia cắt, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang chập chững bước những bước đầu tiên còn phải đối đầu với bao thách thức, trở ngại. Thế nhưng hiện thực cách mạng và đời sống lịch sử của dân tộc là phương diện nổi bật, bao trùm, chi phối mọi mặt của đời sống riêng tư, cá nhân. Dường như mọi đề tài, chủ đề, cảm hứng của văn học đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hiện thực lịch sử và cuộc đấu tranh của dân tộc ta, những vấn đề về vận mệnh của dân tộc, tái hiện hiện thực lịch sử và xây dựng hình tượng những người anh hùng sử thi mang đặc điểm kết tinh của sức mạnh, vẻ đẹp, ý chí và khát vọng của cộng đồng, dân tộc. Luôn đứng mũi chịu sào, tiên phong trong mọi gian khó, hiểm nguy.
Dường như hiện thực đời sống và hiện thực trong tác phẩm được tái hiện không có khoảng cách cùng với sự hư cấu của tác giả hướng đến mục đích càng sát với hiện thực bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Có lẽ lịch sử văn học Việt Nam chưa bao bao giờ có tiền lệ này, hiện thực đời sống sinh động là chất liệu độc nhất bước thẳng vào tác phẩm mà không cần tới sự can thiệp của nhà văn. Ta bắt gặp trong truyện ngắn của hàng loạt những cây bút chuyên viết truyện ngắn như: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Nam Cao, Anh Đức... đời sống hiện thực lịch sử “tươi rói” được tái hiện nhưng không hề trùng lặp về bút pháp. Bóng dáng của những người anh hùng đời thực như Lê Văn Tám, Kim Đồng, Phan Đình Giót, mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, những người nông dân, anh bộ đội, chị giao liên... những người anh hùng có tên và không tên dưới ngòi bút của nhà văn được hư cấu, hiện thực hóa mang khuynh hướng sử thi tái hiện cùng với đất nước với dân tộc.
Đọc truyện ngắn giai đoạn 1964 - 1975, độc giả bắt gặp hình ảnh lớp lớp thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ sẵn sàng xông pha vào tuyến lửa Trường Sơn, Khe Sanh... là nơi gian khổ ác liệt, là nơi đầu sóng ngọn gió, có thể sẽ hi sinh tính mạng bất cứ lúc nào. Đó là tinh thần xung phong dám nghĩ dám làm những công việc khó khăn, nguy hiểm với tinh thần sẵn sàng, tự nguyện, tự giác. Cô giao liên Phước trong truyện Hoa rừng của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là cô giao liên nhỏ nhắn, mảnh mai nhưng kiên cường, cứng cỏi làm nhiệm vụ ở trạm giao liên. Phước vừa mới thực hiện nhiệm vụ dẫn một đoàn bộ đội xuyên rừng vượt một chặng đường dài nguy hiểm để đến nơi tập kết an toàn suốt một ngày ròng rã. Chẳng kịp nghỉ ngơi, Phước quay về luôn. Có một đoàn quân khác cần đi tiếp, cô giao liên Phước lại dẫn đoàn bộ đội “hành quân suốt đêm” đi qua “những quãng rừng đỏ vì bom B52... trụi lá trơ cành vì chất độc hóa học... đôi môi tím ngắt vì giá lạnh, riêng cặp mắt thì vẫn trong trẻo và long lanh sáng.” Sự sống và cái chết như một sợi chỉ mong manh cũng không làm Phước lùi bước. Truyện của Dương Thị Xuân Quý còn có Soan, Thím Tư, chị Tam, thiếm Thọ... trong truyện Niềm vui thầm lặng, hình ảnh Soan - cô gái trong đội vận chuyển có “khuôn mặt bầu bầu, phúng phính, đôi má bồ quân, nước da trắng hồng” nhưng khi vào chiến trường “gương mặt gầy guộc, hai gò má nhô cao, cằm nhọn hoắt và một lớp da xanh mét, tái nhợt phủ lên” vẫn cõng “chiếc gùi tròn lẳn cao quá đầu” với suy nghĩ: “Cõng thêm một ký gạo, gùi thêm một viên đạn là diệt thêm một quân thù”. Cho thấy lòng căm thù giặc sâu sắc của lớp lớp thanh niên trong trận chiến, quyết tâm góp sức nhỏ bé của mình vào trận chiến sống còn với kẻ thù. Không chỉ vậy, lực lượng xung phong ra chiến trường còn có cả những thanh niên của đồng bào dân tộc ít người, được tái hiện rõ nét trong truyện của Ma Văn Kháng, có những người không được đi tuyến đầu còn buồn rồi khóc như nhân vật Pú, A Sì...
Đâu phải chỉ có lớp thanh niên mới tìm mọi cách để được đi bộ đội ra mặt trận, đi dân công hỏa tuyến, đi thanh niên xung phong mà tinh thần quả cảm, phẩm chất tiên phong, đi đầu trong khó khăn, nguy hiểm được bộc lộ ở nhiều tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, phẩm chất này thực chất là câu chuyện về những tấm gương của lòng dũng cảm. Có khi lòng dũng cảm lại bộc lộ trong những hành động rất lặng lẽ, không dễ nhận thấy nhưng để làm được cần tới bản lĩnh và nghị lực phi thường. Phẩm chất này cũng được khẳng định là phẩm chất hàng đầu của người anh hùng. Được thể hiện ở những trận chiến sống còn với kẻ thù, hoặc những cuộc chạm trán trực tiếp với kẻ địch. Một loạt các tác giả viết văn xuôi như: Nguyễn Nhật Duật, Võ Phiến, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Duy Phiên, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức... Đều viết về mảnh đất, con người Nam Bộ bao trùm chung vẫn là khuynh hướng sử thi anh hùng, đã làm nổi bật vẻ đẹp của con người Nam Bộ. Một loạt truyện ngắn của Anh Đức như: Đất, Đứa con, Con chị Lộc, Khói, Kí ức tuổi thơ, Gió dậy lên từ một khu rừng, Thằng Mĩ... hình ảnh những người dân Nam Bộ, thật thà, chất phác, luôn hướng về cách mạng, thà chết vinh còn hơn sống nhục, làm gương cho người thân, chòm xóm được tái hiện sinh động như chính hiện thực cuộc sống. Là hình ảnh ông Tám Xẻo Đước trong Đất làm gương bằng chính tính mạng của mình. Ông Tám kiên quyết chết để bám lấy mảnh đất mà cách mạng đã đem lại cho gia đình ông: “Ba tôi mở tủ thờ lấy cái áo dài xuyến đen ra. Đây là chiếc áo ba tôi chỉ bận khi có giỗ kị. Bấy giờ ba tôi thong thả bận vô. Ba tôi bận áo rất kĩ lưỡng, vuốt từng nếp nhăn trên áo. Xong rồi ba tôi đưa tay xổ đầu tóc, xõa ra. Tụi nó không biết ba tôi làm cái gì. Mà ba tôi cũng chẳng ngó ngàng để ý tới tụi nó. Hình như bây giờ ba tôi chỉ biết có việc ba tôi làm”. Trong bối cảnh tàn khốc của cuộc chiến khói lửa ở miền Nam dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng những người dân Nam Bộ là những con người nhỏ bé, chân đất, bình dị thế nhưng ở họ mang lại phẩm chất của người anh hùng, luôn đi đầu, tiên phong, gương mẫu và kết tinh sức mạnh của cộng đồng như: Cô giao liên Thu trong truyện Chiếc lược ngà, chị xã đội trưởng Dung trong truyện Chị xã đội trưởng, nàng Sa Rết trong truyện Nàng Sa Rết kiên cường bảo vệ bí mật cách mạng, em gái nhỏ truyện Quán rượu người câm, hay những bác nông dân can trường, nghĩa khí gác bỏ tình riêng trong truyện Ông Năm Hạng, ông Ba Đạt trong truyện Người quê hương… truyện Quán rượu người câm là cô giao liên nhỏ bị bắt chịu đủ mọi gông cùm, tra tấn nhưng vẫn không khai đến khi thấy đồng đội và cũng là người chú có ý hợp tác với giặc thì cô gái ấy lấy cái chết làm gương cảnh tỉnh người chú, đe dọa bọn giặc: “Cô gái nhỏ mười sáu tuổi ấy, tóc đang rủ xuống, bỗng hất tóc ra sau vai và nói như nghiến: Chú Hai! Chú sợ chết hả! Chú hãy nhìn tôi đây này. Đứa cháu gái liền thè lưỡi, mắt long lên, đưa quả đấm đánh vào cằm mình. "Bực". Đầu lưỡi cháu rơi xuống, cháu ngã ngửa ra sau và máu vọt ra. Cái chết của cháu gái quyết liệt quá khiến cho tất cả anh em tù liền nhổm dậy. Nhưng chân của họ bị còng, còng bị kéo tới, tay họ vồ ra kẻ thù.” Một cô gái nhỏ chọn hành động tự đấm đứt lưỡi của mình thà chết chứ không chịu khuất phục trước kẻ thù tố cáo tên phản bội, tố cáo tội ác của kẻ thù. Rồi hành động giả câm trong bốn năm liền của anh Ba Hoành “Bốn năm nay tôi không nói, không phải tôi câm. Mà tôi im lặng. Đã đến lúc chúng ta không im lặng được nữa. Đã đến lúc chúng ta phải...” Để qua mặt kẻ thù lúc nào cũng rình rập và chờ đợi thời cơ cùng đồng đội xông lên đánh trả..
Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) là cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi với hình tượng người anh hùng là trung tâm, dù là nhân vật của ông có nguyên mẫu đời thực nhưng vẫn hiện ra như những hình tượng sử thi đích thực bước ra. Cả tiểu thuyết, truyện ngắn, kí của Nguyên Ngọc đều mang âm hưởng sử thi anh hùng. Trong truyện Rừng xà nu ta bắt gặp một Tây Nguyên hoang sơ, hùng vĩ với những con người như Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng... là hiện thân của những người anh hùng, Tnú khi địch đốt hai bàn tay vẫn nghiến răng chịu đau không kêu một tiếng “người cộng sản không thèm kêu van” ánh mắt căm hờn nhìn kẻ thù “một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.” Khi giặc hỏi cán bộ ở đâu thì đặt tay ấp lên bụng mình dõng dạc nói “ở đây này”. Khi đi liên lạc, Tnú không đi đường mòn mà “xé rừng mà đi”, không đi chỗ nước êm dịu mà “lựa chỗ thác mạnh vượt băng băng như con cá kình”. Vì theo Tnú, những nơi nguy hiểm giặc sẽ không ngờ đến. Những người con của buôn làng tỏ rõ thái độ với kẻ thù dù bị tra tấn về tinh thần, thể xác vẫn không “khai” một lòng hướng về cách mạng, hướng về phía ánh sáng dẫn đường.
Người anh hùng trong truyện ngắn 1964 - 1975 gắn liền với tập thể, cộng đồng. Họ rất đỗi gần gũi, bình dị. Thể hiện ở nguồn gốc xuất thân, họ không có gì đặc biệt về thân thế, dòng tộc, họ ở khắp mọi nơi trên Tổ quốc này. Họ có mặt ở mọi nơi, họ chính là quần chúng Nhân dân, với lòng căm thù giặc sâu sắc những người dân quê bình dị trở thành những anh hùng. Họ là những người nông dân trong truyện của Kim Lân như tập truyện: Nên vợ nên chồng, Vợ nhặt. Họ rất bình dị, hiền như đất, trông “khù khờ”, không biết chữ thế nhưng chính họ góp phần làm nên sức mạnh của những trận chiến lịch sử. Họ giành nhau để được đi bộ đội, thậm chí trốn nhà để góp mặt trong đoàn quân du kích. Họ được tôi luyện, trưởng thành trong cuộc chiến với kẻ thù. Những cô gái như Phương Định là khuê nữ Hà thành, Nho, chị Thao trong truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê “Trong người chị có chín vết thương lớn nhỏ rồi. Người Nho năm. Tôi còn ít hơn, bốn vết. Có một vết ở bụng khá nặng, bị giam vào quân y ba tháng. Còn bị vùi thế này là thường.” những cô gái còn rất trẻ đến từ những vùng quê khác nhau, họ xung phong vào chiến trường làm nhiệm vụ phá bom nguy hiểm, sự sống cái chết luôn cận kề thế thế nhưng chưa từng trốn tránh nhiệm vụ. Dù bị thương cũng không kêu đau, khi bị thương cũng không lo cho sức khỏe mà luôn sốt ruột chỉ muốn nhanh nhanh vào trận, tâm trí lúc nào cũng nằm ở nhiệm vụ. “Buổi chiều, chị Thao và tôi phải chạy lên cao điểm ba lần nữa. Phá tám quả bom. Còn đất thì lên đến ba nghìn hai trăm khối. Lần nào tôi cũng bày chuyện để chị Thao ở nhà. Nhưng chị láu lắm, khó mà lừa được chị. Chị chạy, thở cứ dồn dập cả lên. Gân xanh, chạy từng dòng nho nhỏ trên thái dương và hai bàn tay chị”. Họ là lớp thanh niên mà luôn tiên phong, dẫn đầu, họ cũng là những con người xuất thân bình thường, là quảng đại quần chúng Nhân dân lại đang làm được những việc phi thường khi Tổ quốc lâm nguy. Chiến công của họ gắn liền với tập thể. Một cuộc chiến mà mặt trận khắp ở mọi nơi, họ có thể có tên và không tên nhưng đều chung một lòng căm thù giặc sâu sắc, họ là những người dân bình dị trở thành những anh hùng, những tập thể anh hùng. Người anh hùng trong sử thi truyền thống như Đam San, Đăm Di, Xinh Nhã, Khinh Dú, A Sin... đều có sức mạnh phi thường, được thần linh giúp sức, đó là những thủ lĩnh giỏi giang nhất mang “hào quang” chinh phục được mọi hoàn cảnh khắc nghiệt dẫn dắt dân làng xây dựng cuộc sống ấm no. Người anh hùng của sử thi truyền thống hành động mang tính anh hùng cá nhân. Hành động của họ ảnh hưởng tới cộng đồng thế nhưng cộng đồng lại không thể chi phối họ. Đam San kiên quyết đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ mặc cho dân làng can ngăn, A Sin không tham chiến vì chiến lợi phẩm của mình bị cướp. Còn người anh hùng trong truyện ngắn giai đoạn 1964 -1975 thì họ lại gắn với tập thể, Nhân dân chịu sự kỉ luật của tổ chức, mang phẩm chất của thời đại. Tnú mặc dù rất nhớ nhà, nhớ quê hương “nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xa xưa, của Mai...” Thế nhưng không có sự cho phép của cấp trên Tnú giữ nỗi nhớ trong lòng mà không phá kỉ luật của đơn vị. Tnú là một con người bình thường được tái hiện với phẩm chất phi thường. Có điều Tnú đã trưởng thành là kết quả của một nghị lực, bản lĩnh lớn đã được ánh sáng của Đảng soi đường. Trận chiến nào cũng có mất mát và hi sinh đó là “quy luật của chiến tranh” nhưng chẳng ai lùi bước, chiến công của một người nằm trong chiến công chung của cả tập thể, cộng đồng. Hiện thực máu lửa “tươi rói” ngổn ngang, hiện rõ mồn một trên từng trang giấy, trách nhiệm trên vai từng cá nhân là việc chung của bao lớp người. Cả nước cùng vùng lên đánh Mỹ, cùng chung một chiến tuyến, cùng chung một kẻ thù.
Hiện thực lịch sử chi phối toàn bộ đời sống văn học, thể loại truyện ngắn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khuynh hướng sử thi như một đặc điểm bao trùm toàn bộ nền văn học, thể loại truyện ngắn giai đoạn 1964 - 1975 cũng không nằm ngoài khuynh hướng đó.