Bên sông mai nở
Truyện ngắn của LÊ NGUYÊN NGỮ
Ở miền Nam, đâu chẳng biết chứ làng Đại Tài này mỗi năm Tết đến, mười nhà hết chín đều chưng, chơi mai vàng. Mà chưng chơi mai Tết thuộc dạng “nòi”, không ai bằng nhà chị Thu. Sang cái nữa, chị chỉ toàn mua chưng chứ không vào núi chặt như mọi người, dù nhà chị vốn chẳng giàu có gì và anh Năm chồng chị lại vai u thịt bắp. Hoa kiểng trong nhà thường do đàn ông đàn ang nhưng nhà anh Năm, đặc biệt mai Tết phải đích thân chị Thu đi mua, lại mua vào phiên chợ Tết cuối cùng mới được.
Quê chị Thu trước ở Phú Hội, mới lấy chồng về làng chừng dăm năm trở lại đây. Chơi mai Tết sau này là anh Năm lây từ chị, chứ trước kia xuân về Tết đến, nhà ba má anh trên bàn thờ chỉ thấy lèo tèo dăm cây vạn thọ hoặc trường sanh. Nghe đâu ba của chị Thu trước kia là một tay chặt, bán mai vào hàng chuyên nghiệp. Có khi chỉ một mùa Tết với mỗi cây rựa, thu nhập của ông bằng người ta làm quần quật cả năm. Ông đã hy sinh trong một trận chiến ác liệt ở biên giới Tây Nam năm bảy chín. Mẹ chị nối nghiệp chồng, tháng Chạp năm nào cũng cùng đứa em trai vào rừng tìm chặt mai bán.
Một lần năm đó mai rừng chưa gặp, hai chị em lại gặp trái bom sét rỉ, rơi lạc từ đời tám hoánh nào. Ấy là những năm thuốc nổ và sắt phế liệu rất được giá. Mừng quá, hai chị em vần chuyển, khỏ chặt sao đó, trái bom bỗng nổ tung trời! Sức nổ mạnh đến nỗi mẹ và cậu chẳng ai để lại cho chị em Thu được nấm mồ nào còn nguyên vẹn cả! Kể từ đó, chị em Thu về sống cháo rau với bà ngoại.
***
Từ mười ba âm lịch đến rằm tháng Chạp, ấy là thời điểm chặt mai Tết. Tất nhiên nếu gặp năm tháng Chạp thiếu thì có thể sớm hơn một chút. Tết năm nay Thu nhớ nằm lòng như thế và thằng Hiếu lại càng nhớ dữ hơn. Dặn lòng nhớ vì hồi đầu tháng Chạp, hai chị em đi hái củi ở bưng Cò Ke, tình cờ gặp được một gốc mai rất đẹp lại khá lớn, cỡ trái chân. Thu mải lo hái củi, Hiếu thơ thẩn tìm cò ke chín ăn, tình cờ thấy trước nên xí phần. Ai thấy trước thì đúng là của người đó rồi, của rừng mà! Nhưng với sức vóc thằng bé mười tuổi như nó không dễ gì chặt, chứ đừng nói vác về một gốc mai bự sư như vậy. Đó chưa kể còn mang xuống chợ Tết bán nữa. Con nhà nòi mai như chị em nó là rành “sáu câu” chuyện đó, nên cuối cùng Hiếu phải “công ty” cho Thu một phần khoản chặt, vác về, thui gốc, còn nó gấp hai.
Hôm nay thì hai chị em đi chặt gốc mai đó về. Luôn tiện Thu cũng làm mớ củi nhè nhẹ để Hiếu gánh cho bà chụm Tết, còn cô vác cây mai. Thường đi hái củi có thằng Hiếu lần nào đến nơi cũng trưa trờ trưa trật. Nhưng hôm nay chặt mai cho nó, Hiếu siêng sái nên đi tới nơi khá sớm. Vừa đến nơi, Hiếu lật nón ngồi bệt ngay xuống bên gốc mai, tay quệt mồ hôi, tay moi moi dưới đất.
- Moi chi dưới, ông tướng?
- Để chị chặt giùm em chỗ này, Hiếu vừa nói vừa lấy móng tay cứa một đường vào gốc mai, chỗ gần sát đất.
- Tham vừa vừa! Rồi ai vác cho nổi, hở?
- Gốc dài bán được nhiều tiền hơn, phải hông chị Thu?
Thu vừa đoản cành củi ra mấy khúc vừa nói mà không nhìn Hiếu:
- Chẳng phải vậy đâu em ơi! Hễ năm nào được giá là nó nhiều tiền hà. Chớ hông phải gốc dài thì nhiều đâu.
- Thôi… chị chặt chỗ này cũng được. Thằng Hiếu tiếc rẻ nhấc móng tay khứa lên trên một tí.
Gốc mai cứng trời thần! Thu phải chặt đến sưng cả hai hổ khẩu tay mới dứt ra được. Rồi cô vừa vác vừa lôi, thi thoảng thằng Hiếu cũng vừa gánh vừa phụ kéo. Hai chị em tha thểnh cho được cây mai về đến nhà, thui gốc nữa xong, trời đã ngả về chiều. Phần lặt lá là của thằng Hiếu.
- Búp gì mà nhiều quá hơn vãi đậu! Gốc mai này liệu có bán được trăm ngàn hông, hở chị Thu ?
- Cứ hỏi hoài… !
Món tiền hứa hẹn sẽ bán được chỗ gốc mai biến em chị thành ra tỉ mẩn như một ông già, trong cái cách ngồi chồm hổm, bẻ ngược từng cánh lá. Khi cây mai đã lộ hình dáng của các cành, nó xuýt xoa:
- Phải chi ba còn sống, cây mai này chắc chặt giùm em rồi. Đằng này chị chặt, làm mất của em hết… một phần !
Nghe cái giọng đầy tham lam, tiếc rẻ của em, Thu không phật lòng, trái lại cô thấy mình cay cay ở sống mũi:
- Còn phải vác xuống chợ Tết bán nữa, chớ nhiêu đó thôi sao…Rồi cô tiếp, giọng buồn buồn: Nói vậy chớ chị chẳng giành phần em đâu. Nữa bán, chị chỉ xin tiền đủ mua cái lược mới thôi!
Sáng nay là bữa chợ Tết cuối cùng. Từ khuya, vừa nhác nghe tiếng dì Tư gọi, thằng Hiếu đã đập Thu dậy, tuồng như nó suốt đêm không ngủ. Cùng dì Tư đi bán chuối Tết, Thu vác mai men theo đường xe lửa xuống thị xã. Đường toàn đá củ đậu, song dì Tư lại gánh chạy vùn vụt, chẳng mấy chốc đã bỏ Thu tụt lại đằng sau. Ngữ mai này phải vác nó êm êm và nương đà mà đi, chỉ cần té một cái, những búp non tươi sẽ rụng gãy cả. Cành mai của thằng Hiếu quả là đẹp, với cành cong khúc khuỷu tự nhiên. Chẳng cần phải uốn cột chi mà trông cứ như vẽ. Dọc đường dù trời còn chưa thấy rõ lắm, nhưng ai gặp cũng khen. Mồng một Tết ngày mai chắc chắn số búp hoa sẽ nở hơn quá nửa. Thằng Hiếu đã o bế nó đến đổ bệnh ra, không nở nhiều và đúng vào ngày đầu năm sao được.
Đáng lẽ Thu vác mai bán hôm qua cho “rộng chợ” nhưng bỗng dưng thằng Hiếu lên cơn sốt li bì. Bà ngoại lại điếc lác, nghễnh ngãng nên Thu chẳng tiện đi. “Em hết bệnh rồi, mai chị Thu đi bán mai giùm em đi!”. Tối rồi, thằng Hiếu nói với giọng nghe chỏi hỏi thật sự. Thu cũng đồng tình: “Còn ngày mai nữa là hết chợ Tết rồi, không đi bán chớ để ở nhà chưng sao?”. Rồi, như để chứng tỏ rằng mình đã hết bệnh cho Thu giúp nó. Hiếu lấy cây kẹo ra và nhem thèm với Thu. “Cho chị ăn với nờ!”. Hiếu quay ngoắt đi, lột bỏ vội cây kẹo vào mồm. Thu giả bộ hờn: “Tham ăn quá rứa thì sáng mai Hiếu tự đi bán mai lấy, chị không đi đâu!” Nghe vậy Hiếu lật đật quay lại, nhả cây kẹo trong mồm ra: “Nè, em cho chị hết nè!”. Thu cười nói mình chỉ đùa thôi, em ăn đi. Nhưng nghĩ đến việc bán mai, Hiếu không chịu. Cuối cùng Thu đành mỗi người một nửa cho em an lòng. Hơi sốt của Hiếu vẫn còn hâm nóng nửa cây kẹo khi sang miệng Thu. “Em dặn dì Tư rồi, khuya dì “ớ…” một tiếng là phải dậy đi bán ngay đó, nha chị Thu!”…
Thu lại dựng gốc mai, ngồi nghỉ. Chẳng phải vì mệt nhưng cái xoong đem theo để đựng nước cắm, thằng Hiếu cột sao cứ mỗi bước một đập bên hông đến là khó đi, nên cô phải dừng cột lại.
Thu đi sớm thế mà khi cô đến bờ sông thị xã, chợ bán mai cũng đã đông nghịt người. Cả một rừng mai chong lên mờ mờ trong sương sớm đầu xuân nhìn mướt mắt. Thu nhanh chóng tìm cho mình một chỗ cạnh bờ sông để tiện múc nước châm. Đoạn dựng đứng gốc mai vào cái xoong nhôm. Trời càng sáng rõ, càng thấy khúc bờ sông bạt ngàn là mai! Thu đâm chột dạ. Mai nhiều như rừng thế này, bán biết đời kiếp nào mới hết, trong khi chỉ còn hơn nửa ngày chợ nữa thôi! Mùi quần áo đẹp của dân phố chợ lẫn với vô vàn hương những cánh mai nở sớm bay lên làm thơm ngát một vùng. Tiếng bình phẩm, mặc cả cứ ong ong suốt dọc đoạn bờ sông. Lác đác có dăm người đến trước Thu đã bán được. Cô nhấc dần cây mai của thằng Hiếu ra gần lối đi hơn.
- Gốc mai này cô bán bao nhiêu ? Hai ông bụng phệ ra dáng quyền chức chợt ghé lại săm soi những cành của gốc mai và hỏi.
- Dạ thưa… hai trăm!
- Dữ vậy, cô bé thách vừa vừa chứ. Nói lại đi!
- Dạ thưa hai chú… Gốc mai cháu đẹp tự nhiên vầy mà…
- Rồi! Trăm hai, được không ?
Mừng rơn trong bụng, Thu cũng giả bộ nài nì:
- Hai chú xem lại giùm, cây mai này vừa nhiều lại vừa đều búp…
Một trong hai khách mua bỗng bảo nhau:
- Mua giờ sao cầm, còn đi chở cả đống thùng bia nữa. Lát đã…
- Hai chú mua giùm, mai nầy sẽ nở đúng mồng một Tết…
- Ừ, lát nữa chúng tôi quay lại.
Hai ông khách hẹn vậy rồi hối hả lách bụng theo dòng người. Chị bán kế bên xoay tròn cành mai của mình trong lon guy-gô và nói với Thu:
- Ừa, gốc mai của em phải bán trăm rưỡi mới đúng giá. Như cành của chị đây, chiều hôm qua họ cũng đã trả bảy mươi rồi đó.
Thu áng chừng giá trị gốc mai của thằng Hiếu cũng khoảng ấy. Tiếc rằng hai ông khách vừa rồi bận đi lấy bia. Chẳng biết mấy giờ họ mới quay lại? Nắng càng lên chợ càng mua bán ồn ào. “Rừng” mai đã vơi song lượng người đi lại vẫn không ngớt. Cả năm sáu ngày chợ tết dường như dồn lại chỉ có mỗi sáng nay. Xế là ai về nhà nấy lo cúng kính rồi. Một ông già dáng người cẩn thận, chợt ghé lại gốc mai của Thu, mắt sáng lên:
- Cành này bán bao nhiêu, hở cháu ?
- Dạ… trăm… hai. Thu khấp khởi.
- Dữ vậy cháu! Ông già sửa lại cặp kính lão: Tám chục, chịu thì ông lấy?
- Dạ… rẻ quá vậy ông! Xin ông xem kỹ rồi trả thêm cho con. Thu vừa nói vừa dáo dác ngó mong lên dốc cầu và xuống dọc bờ sông, tìm hai ông bụng bự. “Mai này…” Thu xoay lại định nói tiếp thì ông già đã cắp kính sau mông, săm soi cành mai khác cách cô hai ba người bán rồi.
Thôi cũng được, Thu nghĩ. Bán tám mươi cho ông này rồi, lỡ hai ông bụng bự quay lại thì tiếc chết. Chẳng lẽ khi không lại mất đến bốn mươi nghìn. Một cây kẹo thằng Hiếu còn mừng nữa là! Chỉ sợ lúc hai ông bụng bự ấy đến lấy mai, sẽ không còn kịp mua bộ đồ mới và trái banh như Hiếu dặn. Chợ sắp tan rồi còn gì! Nắng lên lúc càng gay gắt. Nước trong xoong nhôm hắt xuống, Thu phải nhờ chị bên vịn mai giúp, để múc nước sông châm thêm.
- Thu… Thu… !
- Ủa dì Tư! Dì bán hết chuối rồi hả ?
- Hết lâu rồi, dì bận mua mấy thứ đồ, nên trưa. Chưa bán được sao con? Có ai trả bao nhiêu chưa ?
- Dạ có, họ trả… trăm hai.
- Trời ơi… sao hông bán đi! Dì nghe nói năm nay mai “bê” lắm đó. Người ta lại gần dẹp chợ rồi!
- Trời…! Vậy mà con đâu có biết! Mấy giờ thì họ dọn chợ, hở dì Tư? Thu hoảng hốt hỏi.
Dì Tư khoát tay, đặt vội gánh lên vai:
- Bán đi, rẻ mắc gì cũng bán đi, về cho thằng Hiếu nó mừng. Dì về trước, hổng chờ con được đâu.
Chợ càng xế càng xao xác. Gió bấc thổi lồng lên mùi lá chuối héo, mùi các loại trái cây và hoa bay ngào ngạt. Những búp xanh, cánh vàng của mai rơi vương vãi, tơi bời kín mặt lộ bờ sông. Ong óng phía dưới xa, có tiếng loa vang vang về dọn dẹp gì đó. Lúc ấy may sao, hai gã ăn mặc bảnh bao có mép râu như kiến bò bỗng tấp xe vào gốc mai của Thu.
- Gốc mai này bán bao nhiêu, cô em?
- Dạ… dạ tám chục ngàn, hai anh mua giùm!
Gã cầm lái bĩu môi:
- Người ta dẹp chợ dưới kia rồi, mà còn… tám chục!
Thấy rồ máy xe, Thu cuống quít gọi với theo:
- Chớ bao nhiêu, anh ơi…! Giờ anh muốn bao nhiêu ???
- Dọn chợ rồi! Tên mặc áo chim cò ngồi sau cười hô hố lên: Có cho không thì anh lấy, để khỏi mất công vác về, em ơi… !
Triện xế thì giữa Thu với gốc mai thằng Hiếu đã cách nhau một dòng sông xanh biếc. Gió Tết làm bụi đường tung ra từ những lát chổi của công nhân vệ sinh dọn dẹp chợ bay tít mù. Tuy vậy mấy đám bụi kia vẫn không sao che khuất được gốc mai thằng Hiếu, Thu dựng lại ở bờ sông. Anh nắng xế vàng như mật rót cuối năm nhuộm những cánh hoa vừa nở bằng thứ sắc màu vô cùng rực rỡ. Chỉ tại mình ngu, chứ bán kịp cho ông già kính lão, đã có được cho em tám mươi nghìn rồi! Tưởng dù rẻ đắt cũng bán được mai, Thu có mang theo đồng nào đâu. Cái đói của một người thức dậy từ khuya, rồi vịn cây suốt buổi chợ đã khiến cô không tài nào vác nỗi gốc mai về. Mà vác về để làm gì ? Ngồi ôm cái xoong từ bên này sông nhìn qua, gốc mai với những hoa búp lá cành lao chao như chào biệt Thu trên sóng nước, cô bắt ứa nước mắt. Thu rã rời đứng lên. Thôi mai ơi, hãy đứng ở đấy mà nở cho hết giùm chị em mình một mùa xuân cút côi, lận đận…
***
Bây giờ thì năm nào cũng như năm nào, bận bịu đến mấy chị Thu cũng dành thời gian đi buổi chợ Tết cuối cùng, để mua mai. Chợ Tết lúc năm cùng tháng tận, mọi người thường cuống quít, bán mua như ma đuổi, nhất là tại khu mai vàng. Ở đó, riêng chị bao giờ cũng là người nhẩn nha ngắm nhìn, nhẩn nha lựa chọn, hỏi han. Cái gì bán ế, Tết xong còn mót lại được, chứ mai chặt ở rừng thì… chị đã từng qua! Do vậy chị Thu thường chọn mua mai của những người bán sau cùng, và nhất là… giống như chị ngày xưa. Trong kí ức chưa ghi nhận được của mình lúc ấu thơ nghèo đói, biết đâu ngay cả đến ba Thu lại chẳng có cái Tết bán mai, cuối cùng cũng lén dựng lại bờ sông rồi… lặng lẽ ra về ?
Trong “rừng” mai ngào ngạt, xác xơ nơi chợ Tết, chị Thu thường mộng du cho riêng mình với những nhớ thương về người cha và tuổi thơ của hai chị em mình như vậy.